Một số VĐV đăng video để chứng minh những chiếc giường làm từ bìa cứng tại Olympic Paris 2024 không "mong manh dễ vỡ" như lời đồn.
Sau khi có mặt ở làng VĐV tại Paris, VĐV nhảy cầu người Anh Tom Daley đã đăng một video lên mạng xã hội để đánh giá chiếc giường gây tranh cãi thời gian qua. Sau khi giới thiệu cách lắp ráp giường và các thành phần như đệm, gối, Daley đã nhảy nhót trên đó và khẳng định giường rất chắc chắn dù làm từ bìa cứng.
"Như các bạn thấy, chúng rất chắc chắn", Daley vừa nhảy vừa nói.
Ý tưởng sử dụng những chiếc giường làm bằng bìa cứng ở làng VĐV được áp dụng từ Olympic Tokyo 2020. Nhiều người cho rằng những chiếc giường này được thiết kế để "chống sex", nhằm ngăn cản các VĐV quan hệ tình dục trong thời gian diễn ra Olympic.
Tương tự Daley, VĐV thể dục dụng cụ người Bắc Ireland Rhys McClenaghan đã thực hiện những động tác nhào lộn, dậm nhảy mạnh trên giường để kiểm tra độ chắc chắn. "Chúng đã vượt qua bài kiểm tra của tôi. Tất cả là tin giả! Toàn tin giả!", McClenaghan khẳng định.
Hai tay vợt nữ người Australia Daria Saville và Ellen Perez cũng "thử nghiệm" độ bền của những chiếc giường này bằng việc thực hiện những bài tập như squat jump, high knees... trên đó.
Ban tổ chức Olympic Paris 2024 khẳng định những chiếc giường bìa cứng được lựa chọn vì tính thân thiện với môi trường và có thể tái chế. Họ cũng nhấn mạnh chất lượng của giường đã được kiểm tra kỹ lưỡng để đảm bảo độ bền, thoải mái và phù hợp với mọi VĐV.
Chuyện quan hệ tình dục luôn là chủ đề nóng ở các kỳ Olympic. Susen Tiedtke, cựu VĐV nhảy xa của Đức từng tham dự Olympic 1992 và 2000, từng khẳng định ban tổ chức ra sức ngăn cấm nhưng chuyện này khó tránh khỏi. "Mỗi khi tập luyện và thi đấu ở Olympic, họ sẽ cần rất nhiều năng lượng, và sau đó phải giải tỏa nó. Không thể để nó tích tụ rồi khiến các VĐV ức chế", bà cho biết.
Bên cạnh việc tin đồn về giường "chống sex", ban tổ chức Olympic 2024 thông báo đã chuẩn bị 300.000 bao cao su để phục vụ các VĐV trong thời gian diễn ra Olympic.
Olympic 2016 diễn ra tại Rio de Janeiro, Brazil từng ghi nhận lượng bao cao su được tiêu thụ ở mức kỷ lục. 450.000 chiếc cùng 175.000 gói chất bôi trơn đã được phát miễn phí cho VĐV. Còn ở Tokyo 2020, khoảng 150.000 bao cao su được cung cấp cho VĐV. Khi đó các quan chức nói việc này không phải để khuyến khích hoạt động tình dục, mà nhằm "nâng cao nhận thức về phòng chống lây nhiễm, mang lại không gian an toàn", khuyên VĐV chỉ dùng bao cao su sau khi thi đấu xong, và nên dùng "sau khi về nước".
Thu Vân (theo Page Six)