Gừng có vị cay tính ấm. Nó có tác dụng tăng cường tuần hoàn, kích thích dạ dày tiết dịch vị, kích thích ruột dùng để chữa cảm lạnh, buồn nôn, chứng ho do lạnh, thổ tả, cầm huyết ruột. Theo Đông y, dùng gừng tươi chưa qua chế biến gì là tốt nhất, hiệu quả cao nhất.
Lời Tựa: Đây là bài viết của dược sỹ, nhà văn Trần Thanh Cảnh trên Góc Dược Sỹ - VOV TV
Củ gừng là thân rễ của cây gừng, có tên khoa học Zingiber Officinale, họ Gừng: Zingiberaceae. Gừng là loại cây đã được dân ta trồng rất phổ biến từ xa xưa để làm thuốc và gia vị trong nấu ăn.
Khoa học hiện đại cũng đã nghiên cứu khá kỹ về củ gừng. Trong thành phần của nó có chứa từ 1-3% tinh dầu cay nóng. Ngoài ra nó còn chứa nhiều vitamin nhóm B, vitamin C, khoáng chất, đường, chất béo, đạm…
Tác dụng dược lý của gừng chủ yếu do tinh dầu mang lại. Trong tinh dầu gừng có rất nhiều hợp chất khác nhau như: Zingiberol, Zingiberene, Borneol…
Y học cổ truyền đã sử dụng gừng như một vị thuốc chữa bệnh từ lâu. Có thể sử dụng gừng tươi: vị thuốc sinh khương. Gừng đã phơi sấy: can khương. Gừng đem nướng: thán khương… tùy mục đích chữa bệnh.
Tuy nhiên kinh nghiệm và cả thực nghiệm khoa học đều cho thấy sử dụng gừng tươi- sinh khương là tốt nhất. Vì lượng tinh dầu trong đó nhiều chưa bị bay hơi và các hoạt chất có tác dụng chữa bệnh trong tinh dầu không bị biến đổi bởi nhiệt độ và các điều kiện ngoại cảnh tác động vào thành các chất khác, không có tác dụng chữa bệnh.
Gừng có vị cay tính ấm. Nó có tác dụng tăng cường tuần hoàn, kích thích dạ dày tiết dịch vị, kích thích ruột dùng để chữa cảm lạnh, buồn nôn, chứng ho do lạnh, thổ tả, cầm huyết ruột (nướng than- thán khương).
Y học hiện đại thì dùng gừng để trị buồn nôn, nôn khi say tàu xe, mang thai. Chữa viêm khớp, đau bụng kinh, liệt dạ dày. Bài thuốc trị viêm khớp, đau khớp đã được nhiều bệnh viện y học cổ truyền áp dụng khá đơn giản và dễ làm là: gừng tươi giã nhỏ hòa thêm chút rượu trắng thành một hỗn hợp mềm ẩm, đắp bao quanh vùng khớp bị viêm, tỏ ra có tác dụng giảm đau chống viêm khá tốt.
Trong chế biến đông dược, người ta còn dùng gừng phối hợp để hạn chế tác dụng không mong muốn của các vị thuốc khác. Như khi chế sinh địa thường đem tẩm nước gừng để hạn chế tính hàn của vị thuốc này. Chế bán hạ dùng gừng để giải độc tố. Hoặc khi chế sâm, đinh lăng là những vị thuốc đại bổ người ta cho thêm gừng để tăng tính ấm và để dẫn thuốc vào phế, vị.
Liều dùng của gừng khoảng từ 4- 10 gram củ tươi. Không nên gọt vỏ, vì trong vỏ gừng cũng đã có nhiều hoạt chất tốt, khi dùng chỉ nên cắt bỏ rễ con, rửa sạch là được.
Hiện nay trên thị trường có khá nhiều sản phẩm chế biến từ củ gừng. Ngành dược có trà gừng hòa tan và viên ngậm khá tiện dụng. Thế nhưng kinh nghiệm cho thấy, dùng gừng tươi chưa qua chế biến gì là tốt nhất, hiệu quả cao nhất. Mỗi gia đình mùa đông lạnh nên trữ sẵn vài củ gừng để trong nhà, lúc cần thì sử dụng ngay.
Bài kinh điển để trị cảm lạnh, giã rượu là: thái lấy 3 đến 5 lát gừng tươi, hai thìa mật ong (hoặc đường hay siro đều tốt) hãm trong khoảng 100 ml nước sôi, sau khoảng 5 phút bắt đầu uống từng ngụm nhỏ cho đến cạn nước.
Đặc biệt miền Bắc nước ta bước vào mùa thu đông khô lạnh, mỗi khi chúng ta có việc đi ra ngoài về, ta có thể tự pha một cốc trà gừng nóng như hướng dẫn ở trên để uống, xong hãy tiếp xúc với người nhà, ấy cũng là một biện pháp phòng các bệnh cảm cúm, covid...đơn giản và hiệu quả.
Còn các bà nội trợ trong mùa lạnh hãy tăng cường các món ăn mà gia vị có gừng tươi như: canh cải nấu gừng, thịt bò xào gừng, nước chấm tương gừng… vừa thơm ngon lại vừa có thêm tác dụng phòng bệnh cho cả nhà!
Trích theo dược sỹ, nhà văn Trần Thanh Cảnh