
“Hồi ấy võ sĩ người Thái họ coi thường võ sĩ Việt Nam mình lắm. Chúng nó bảo võ mình là võ múa chứ đánh đấm gì. Sau này khi anh hạ họ trên võ đài, họ mới bảo: “Việt Nam này còn có mày”.
...
Có nhiều bạn nhắn cho Lê Nguyễn hỏi đại khái kiểu “Ở Sài Gòn có thầy nào xịn không Nguyễn ơi” hay “Em biết thầy nào giỏi Muay Thai không chỉ anh với, anh cho đứa cháu đi học”…
Thầy giỏi ư?
Sài Gòn này nhiều thầy giỏi lắm.
Muay Thai cũng thế, không thiếu các trung tâm hay các CLB đào tạo.
Nhưng hôm nay Lê Nguyễn muốn chỉ tới các bạn một người. Anh Phạm Linh.
Trên mạng bạn gõ từ khóa sẽ không thấy tin tức gì về anh ấy đâu. Nhưng chắc chắn với các bạn 1 điều: Tất cả các võ sĩ Muay Thai nổi tiếng Việt Nam đều biết đến anh – Sát Thủ Võ Đài “Chợ Đen” ở Thái Lan và Camphuchia.

Qua anh Nhân – CEO của Thanh Bình MMA, Lê Nguyễn biết anh Linh. Qua một vài clip anh Nhân gửi anh Linh đánh chỏ, Lê Nguyễn rất tò mò về nhân vật này và muốn gặp. Cũng phải kể thêm cho mọi người 1 chi tiết này, mấy năm qua Lê Nguyễn muốn quay sư phụ của anh Nhân chính là cụ Sáng - Thái Lý Phật. Ngoài anh Nhân, Lê Nguyễn cũng quen biết anh Thiện Hạnh (đồng môn với anh Nhân). Anh Thiện Hạnh có hẹn mấy lần sẽ đưa Lê Nguyễn tới nhà chơi thăm cụ. Tuy nhiên, vì anh bận nên đến giờ 2 anh em vẫn chưa đi được. Mà mình thì vẫn đợi lời hứa của anh, tuyệt nhiên không kết nối thêm một đầu mối khác. Mọi thứ cứ thuận theo duyên.
Lần này Lê Nguyễn tò mò thực sự về anh Linh, và đã nhờ anh Nhân kết nối.
Rồi đúng cái ngày bão Trà My đổ vào, Sài Gòn mưa xối xả trắng trời, Lê Nguyễn đã gặp được anh.
Nghe anh kể chuyện đời, nghiệp võ mà thấy cay cay khóe mắt.
“Thôi em ạ, đừng quay anh làm gì. Qúa khứ của anh không êm ả như người ta. Bây giờ anh chỉ mong an yên hiện tại, truyền lại kinh nghiệm đời mình cho mấy đứa em thôi”, anh Kể. Cũng bởi thế, Lê Nguyễn xin phép anh được kể với các bạn một phần rất nhỏ chuyện đời anh.
Anh sinh năm 1982, nhưng trên giấy tờ hiện tại là năm 1985.
Cha của anh Linh là đặc công. Anh học nghề võ từ cha mình rồi thêm quyền Anh, Vịnh Xuân, Tán Thủ...
Năm chị gái học đại học, anh theo chị vào Sài Gòn và đi làm hồ lấy tiền nuôi chị. Lúc ấy anh thuê trọ ở khu Thảo Điền. Sáng sớm anh thường chạy ra công viên ven sông tập võ, đấm gió. Tình cờ ở đây anh gặp 1 ông bầu võ đài người Mỹ gốc Việt. Sau vài lần giao lưu thử nghề thì ông bầu rủ anh đi đánh đài “chợ đen” kiếm tiền.
“Lúc đó anh mới lớn, lại có máu võ sĩ trong người, nghe ông bảo đánh 1 trận bằng tiền đi làm hồ cả tháng là ham”.
“Đấu ở các sòng bạc bên Campuchia. Hồi ấy võ sĩ Cam họ chưa phát triển mạnh phong trào như bây giờ. Anh đánh gần 20 trận đều thắng cả. Rồi mình ế độ không có ai đánh với mình nữa”, anh Linh kể trận đầu tiên anh được ông bầu trả 3 triệu đồng. Một số tiền rất lớn thời điểm ấy.
Cuộc đời đưa đẩy đưa anh đến những ngã rẽ đặc biệt, anh về quê và tiếp xúc tới những nơi mà anh nghĩ “chỉ có may mắn mới còn sống được đến bây giờ. Vậy mà anh đã sống sót ở đó được 6 tháng đấy. Ngày nào cũng có 6 -7 vụ đâm chém”. Gác lại mọi thứ, muốn thay đổi cuộc đời anh vào lại Sài Gòn và học hàng hải. Để có tiền học, trang trải sinh hoạt và lo cho mẹ già ở quê anh liên hệ lại ông bầu ngày xưa.
“Lúc đó Campuchia thì mình ế độ rồi. Ông bầu bảo chỉ còn nước sang Thái Lan thôi. Ở đó ngày nào cũng có độ đánh. Ở Thái Lan mới đầu đánh tiền độ thấp hơn ở Campuchia. Đánh thắng 3 trận thì được tăng lương một lần. Tuy nhiên ở đó, ông bầu lo hết ăn uống, luyện tập”, anh cho biết.
Tại Thái anh tập tại phòng tập Kamsing đây chính là phòng tập có 1 huyền thoại Muay Thai là Saenchai.
Nhớ lại kỷ niệm tập cùng với Saenchai, anh Linh kể: “Hồi ấy thông tin ít mình đâu biết Saenchai là ai đâu. Ông bầu bảo muốn thử với Saenchai không, mình lúc đó còn khánh tướng vì bên Cam mình có đối thủ đâu. Anh đồng ý chơi luôn. Đánh 2 hiệp, Saenchai đã cho anh biết thế nào là Muya Thai. lúc đó mình mới hình dung được võ đài ở Thái nó khắc nghiệt hơn bên Cam rất nhiều”, anh Linh nhớ lại.
Tổng cộng anh Linh đấu đài ở Thái Lan gần 5 năm.
“Anh lúc đó toàn thuê bạn học, với diểm danh hộ. Ngày thi thì mới về Việt Nam để thi còn lại phần lớn là ở Thái. Tuần nào cũng có độ. Có thắng, có thua. Võ sĩ Thái, Mã, Cam…anh đều đấu hết. Thế hệ võ sĩ đấu với anh ngày ấy, giờ đều đã thành danh, chỉ còn mình là lận đận. Ở Việt Nam khi đó vẫn còn chưa có sân chơi cho Muay Thai như vây giờ. Ông bầu lúc đó có ý định mai mối cho anh một cô vợ người Thái và nhập tịch cho có tương lai nhưng anh không chịu”.
Anh Linh kể, nghề võ sĩ là nghề cực kỳ nguy hiểm. Phải đam mê lắm mới theo đuổi được nó.
Anh nhớ mãi lần đấu với 1 võ sĩ người Mã, anh bị một chỏ vào sau gáy, má.u túa ra ướt đẫm đầu. Lần đó anh gần nhất với cái chết.
Còn chuyện gãy tay, chân, các ngón hay gãy răng…anh bị vài lần trong đời. Sau lần đứt dây chằng đầu gối chân phải thì anh chính thức nghỉ thi đấu chuyên nghiệp.

Lê Nguyễn có hỏi anh về chấn thương nghiêm trọng này thì anh kể bị khi luyện tập trước trận đấu vài ngày. “Anh về Hà Nội phẫu thuật. Chân không phục hồi được như trước. Kể hồi đó mình đi Sing phẫu thuật thì ok hơn. Có lẽ duyên đấu đài của anh đến đó”.
Lê Nguyễn có hỏi anh ngày đó ở Thái Lan ngoài anh còn võ sĩ Việt Nam nào khác nữa không thì anh kể, còn 1 anh, anh ấy người Gia Lai. “Sau mấy trận thì bạn ấy giải nghệ và có đường hướng khác cho tương lai. Bây giờ bạn ấy buôn bán kinh doanh bên đó được lắm. Việt Nam mình bây giờ vẫn còn 1 bạn nữa đánh bên Thái được lắm. Bạn này quê ở Bình Thuận. Trước cũng là đặc công đấy”.
Rồi anh kể tiếp: “Hồi ấy võ sĩ người Thái họ coi thường võ sĩ Việt Nam mình lắm. Chúng nó bảo võ mình là võ múa chứ đánh đấm gì. Sau này khi anh hạ họ trên võ đài, họ mới bảo: “Việt Nam này còn có mày”.
Em biết anh đã trả lời họ sao không?
Anh bảo: “Việt Nam tao nhiều người giỏi lắm, chỉ là bọn tao không có sân chơi thôi”.
Lê Nguyễn