Sau những clip, bài viết về “Nghịch cước xuyên tâm” cũng như trận đấu giữa võ sư Hồ Cập và võ sĩ Tôn Ngọc Lực trên Dọc Đường Gió Bụi, Lê Nguyễn nhận được nhiều thông tin quý báu của quý vị khán giả chia sẻ về chủ đề này.
Lê Nguyễn cũng tìm tư liệu từ nhiều nguồn, xin phép được tổng hợp lại.
Nhắc đến đòn thế trên, có nhiều chú nhắn với Lê Nguyễn rằng đó là võ xưa, không chỉ ở Quảng Nam, mà Bình Định cũng có nhưng tên gọi khác nhau. Trong bài này, Lê Nguyễn chỉ để cập đến võ Long Xà và thầy Hồ Cập.
Như những gì mà mọi người nói với Lê Nguyễn thì dưới chân núi Bồ Bồ (TX. Điện Bàn) có gia tộc rất nổi tiếng lưu giữ và phát triển dòng võ Long Xà qua hàng trăm năm lịch sử. Người khởi phát được cho là ông Hồ Công Sùng, người Nghệ An làm quan nhà Mạc. Trải qua nhiều sự kiện, ông đưa các con vào xứ này khai hoang lập nghiệp.
Báo Quảng Nam từng có nhiều bài viết về dòng tộc Hồ Công. Trong đó có nhắc đến chi tiết võ Long Xà mà sư tổ Hồ Công khai như thế này:
“...Những thế võ đó hầu hết được mô phỏng từ những thế trườn, quật, bắt mồi của loài rắn, phối hợp cương nhu làm cho thân pháp của người luyện võ dẻo dai, uyển chuyển như rồng cuộn trong mây. Khi ra đòn thấy nhẹ như bông nhưng thực chất thì đối phương đón đỡ nặng tựa ngàn cân. Đặc điểm võ nghệ của Hồ Công Sùng truyền lại là luồn lách nhập nội, đánh đòn ngắn, hiểm độc, có hiệu quả thực dụng, những đòn dài chỉ là đòn gió để luồn lách... Võ Long Xà không truyền cho người ngoại tộc, kể cả con gái họ Hồ cũng không được học những thế võ bí truyền ấy, chỉ có con cháu trai mới được đặc truyền.
Mãi cho đến đầu thế kỷ 20, do yêu cầu của lịch sử, các võ sĩ Hồ Công phái hầu hết tham gia các phong trào yêu nước chống xâm lược, họ đã đem kỹ thuật chiến đấu bí truyền của môn phái ra huấn luyện cho nghĩa quân, từ đó luật “ngoại tộc bất truyền” mới được bãi bỏ”.
Tính đến nay, võ Long Xà được truyền đến đợi thứ 9 - Võ sư Hồ Công Vinh (SN 1955), ông là con của cố võ sư Hồ Điệp. Cố võ sư Hồ Điệp (truyền nhân đời thứ 8 của võ phái) là người tài ba, đức độ, ngoài 90 tuổi vẫn múa roi đi quyền. Năm 2001, ông bị ốm rồi qua đời, hưởng thọ 100 tuổi.
Trong đời võ, cố võ sư Hồ Điệp đã đào tạo rất nhiều võ sĩ lừng danh trên các võ đài như: Hồ Cưu, Hồ Cập, Hồ Hiểu, Hồ Phước, Hồ Hồng Quang, Hồ Ôn, Hồ Dần... Trong những võ sĩ xuất sắc có Hồ Cưu và Hồ Cập là 2 anh em ruột.
Về võ sĩ này, lần đầu tiên Lê Nguyễn được nghe đến qua lời kể của chú Bốn Thăng, Cao nhân ở ẩn trong rừng giống y chang Hỏa Vân Tà Thần phim Tuyệt Đỉnh Kungfu (https://www.youtube.com/watch?v=uA8jTPAGdWQ&t=224s) nhưng không có ấn tượng nhiều. Chú Bốn Thăng có nhắc đến cú hốt ngựa mà không ai phá được.
Theo thông tin mà Lê Nguyễn đọc được như thế này, xin được dẫn tại từ một tờ báo chính thống:
“…Hồ Cưu sinh năm Quý Sửu (1913), còn gọi là “Thắng Cưu”. Từ năm 14 tuổi, ông theo học với chú ruột là võ sư Hồ Điệp gần 10 năm trên đỉnh Đồi Mồi. Ông nổi tiếng với biệt tài “hốt ngựa” túm đối phương ném xuống đài.
Từ năm 1935 đến năm 1940, Hồ Cưu đã giành được các danh hiệu Vô địch Quảng Nam, Vô địch miền Trung, Vô địch miền Nam, và trong 2 năm 1937 - 1938, Hồ Cưu vô địch trận đài 5 xứ Đông Dương (Bắc kỳ, Trung kỳ, Nam kỳ, Cambodia và Lào) do Pháp tổ chức.
Danh tiếng Hồ Cưu đã làm cho nhiều môn phái khác ghen tỵ tìm cách ám hại nhưng lần nào ông cũng chiến thắng. Từ năm 1942 đến 1948, Hồ Cưu tham gia phong trào Việt Minh, làm công tác truyền bá chữ quốc ngữ và huấn luyện võ thuật cho đội Quyết Tử của tổng Định An. Hồ Cưu hy sinh năm 1948 trong một lần vượt sông Thu Bồn, hưởng dương 36 tuổi. Ông được đưa về an táng trên đỉnh Đồi Mồi.
Võ sư Hồ Cập, em ruột của Hồ Cưu cũng là một võ sĩ “bất khả chiến bại” trong nhiều năm. Ông cùng với Hồ Cưu đã từng so tài với các võ sĩ thượng thặng thời ấy như: Bửu Tiễn, Huỳnh Tiền, Minh Cảnh, Hồ Trọng Sơn, Đỗ Hy Sinh, Tôn Ngọc Lực và đoạt các chức vô địch Quảng Nam, Vô địch miền Trung, Vô địch miền Nam, vô địch Đông Dương từ năm 1938 đến 1941 ở hạng B (Hồ Cưu vô địch ở hạng A).
Võ sư Hồ Cập nổi tiếng với thế võ “Nghịch cước xuyên tâm” trong trận thắng võ sư Tôn Ngọc Lực của võ đoàn “Long Hổ Hội” tại Ái Nghĩa (Đại Lộc) vào cuối tháng tư năm 1960. Nghịch cước xuyên tâm là thế võ bí truyền của phái Long Xà được võ sư Hồ Cập sáng tạo bằng cách áp sát đối thủ và tung ra cú đá hiểm hóc; chưa có người nào hóa giải được nên Nghịch cước xuyên tâm còn có tên là “câu hồn cước”. Ông mất năm 1968”.
Những thông tin về hai anh em võ sĩ họ Hồ có thể khiến mọi người bất ngờ và hoài nghi. Như Lê Nguyễn nói từ đầu, bài viết này được tổng hợp từ nhiều nguồn trên mạng, sách võ thuật và đặc biệt là nhiều anh chị xứ Quảng.
Lê Nguyễn hy vọng anh chị ai có tư liệu xin chia sẻ cho mọi người cùng rõ ạ.
Lê Nguyễn