Nắng nóng, môi trường ô nhiễm, những áp lực từ công việc khiến con người luôn căng thẳng làm cho cơ thể sản sinh ra nhiều nhiệt độc ảnh hưởng đến sức khỏe. Những món ăn, bài thuốc dân gian được coi là một trong những liều thuốc hữu hiệu nhất.
Những ngày này, miền Bắc và miền Trung đang bước vào những ngày hè nắng nóng đỉnh điểm nhất. Nhiệt độ tăng quá cao và nắng nóng kéo dài, tạo điều kiện cho vi khuẩn, virus trong môi trường sinh sôi, phát triển gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe con người.
Trong điều kiện khí hậu này, con người rất dễ mắc các bệnh về đường hô hấp như: Viêm phổi, viêm họng, sốt virus…hoặc một số bệnh liên quan đến đường ruột như tiêu hóa, ngộ độc thức ăn…
Nắng nóng, môi trường ô nhiễm, những áp lực từ công việc khiến con người luôn căng thẳng làm cho cơ thể sản sinh ra nhiều nhiệt độc ảnh hưởng đến sức khỏe. Muốn bảo vệ và phòng tránh trước sự tấn công của các "kẻ thù" của cuộc sống, nhiều người đã tìm về với thiên nhiên, hoa cỏ, những món ăn, bài thuốc dân gian được coi là một trong những liều thuốc hữu hiệu nhất.
Dưới đây là một số món ăn, bài thuốc giúp giải độc cho cơ thể trong mùa hè rất hiệu quả.
1. Một số bài thuốc đơn giản giúp giải độc cơ thể
1.1. Bài thuốc từ cúc hoa
Hoa cúc có vị đắng, tính mát, có tác dụng thanh giải nhiệt độc, thanh tâm trừ phiền. Những trường hợp nhiệt độc tích trong cơ thể gây đau đầu, đau răng, đau mắt đỏ, hoa mắt, chóng mặt…sử dụng cúc hoa sắc uống vô cùng hiệu quả.
Cúc hoa là một trong những vị thuốc được sử dụng nhiều nhất trong Đông y để giải độc cơ thể, giải tỏa muộn phiền, làm cho tinh thần thoải mái.
Có rất nhiều cách sử dụng hoa cúc làm trà để tạo thành bài thuốc giải độc cho cơ thể:
- Cách 1: Mỗi ngày lấy từ 3 - 5 bông hoa cúc khô, hãm với nước sôi, lấy nước uống hàng ngày như nước giải khát.
- Cách 2: Hay bị mụn nhọt, lở ngứa dùng cúc hoa và kim ngân hoa, mỗi thứ 10g, sắc lấy nước uống hàng ngày.
- Cách 3: Đi nắng về mắt đỏ, sưng đau, đau đầu, hoa mắt lấy 10g cúc hoa, 10g thảo quyết minh, 10g thanh tương tử, 10g ích mẫu thảo, tất cả sắc với 400ml nước đến khi còn 100ml là được, chia 2 lần uống trong ngày.
1.2. Bài thuốc từ cát căn (sắn dây)
Cát căn là vị thuốc có vị ngọt, tính bình, quy vào kinh Bàng quang. Có tác dụng giải biểu, thanh nhiệt, chỉ khát, trị chứng trúng thử (say nắng), chứng sởi đậu do nhiệt tích rất hiệu quả. Sau đây là bài thuốc giải độc cơ thể từ cát căn:
- Trường hợp cảm nắng, nhức đầu, sốt nóng: Sử dụng 12g bột sắn dây, hòa với 300ml nước, thêm một chút đường để cho dễ uống. Ngày uống 2 lần chia sáng - chiều.
- Ngộ độc thức ăn, đau bụng đi ngoài, đi phân thối khẳm, nóng rát hậu môn do nhiệt độc tích tụ: Sử dụng bài thuốc "Cát căn cầm liên thang" gồm các vị: Cát căn 16g, hoàng liên 10g, hoàng cầm 10g, chích cam thảo 6g. Sắc uống, ngày 2 lần. Uống khi thuốc còn ấm.
- Ngứa, mụn nhọt do nhiệt độc, mồ hôi ra nhiều: Lấy bột cát căn 5g, hoạt thạch 20g, thiên hoa phấn 5g. Trộn đều hỗn hợp rồi rắc lên những vùng bị ngứa trên cơ thể.
- Viêm họng, đau rát họng, họng đỏ sưng do nhiệt độc tích tụ: Lấy bột cát căn 15g pha nước nóng để bột cát căn được chín, tạo thành một hỗn dịch uống. Khi pha cát căn dạng chín như vậy sẽ giúp tạo thành một lớp màng bao lấy hầu họng, giúp dịu sự nóng rát ở vùng họng và thanh giải được nhiệt độc.
2. Một số món ăn đơn giản giúp giải độc cơ thể
2.1. Canh Bách hợp đậu xanh
- Nguyên liệu: Một củ bách hợp tươi, 2 lạng đậu xanh, 2 thìa đường phèn.
- Cách làm: Đậu xanh vo sạch bằng nước, thêm 6 bát nước vào nấu. Bách hợp tươi bỏ nhánh già bên ngoài đi, rồi tách làm các nhánh. Đợi đến khi đậu xanh chín, cho bách hợp và đường phèn vào khuấy đều, khoảng 3 phút là có thể tắt bếp.
- Công dụng: Bách hợp có tác dụng bổ âm, sinh tân dịch hiệu quả. Đậu xanh tính mát, có tác dụng giải độc thấu ban chẩn, thanh nhiệt giải độc.
Món canh này ăn thường xuyên giúp xua tan cái nóng, giữ tâm trí bình tĩnh và tinh thần được phấn chấn vui vẻ.
2.2. Cháo sơn dược thịt dê bí đao
- Nguyên liệu: Gạo tẻ, thịt dê, mỗi loại 50g; bí đao 150g, sơn dược (củ mài) 100g; gia vị lượng vừa.
- Cách làm: Thịt dê băm nhỏ, bí đao bỏ vỏ, sơn dược thái thành miếng nhỏ. Gạo tẻ cho lượng vừa nước nấu cháo, nấu đến lúc sôi đều, cho thịt dê đã băm, bí đao, sơn dược vào cùng nấu. Đợi sơn dược, bí đao chín nhừ, nêm gia vị vào là được.
- Công dụng: Thanh nhiệt, sinh tân, kiện tỳ vị.
2.3. Mướp đắng nhồi thịt
- Nguyên liệu: Mướp đắng 400g, thịt nạc 150g, nước dùng từ xương heo, nấm hương, mộc nhĩ, gia vị: Tiêu, bột ngọt, muối, nước mắm.
- Cách làm: Mướp đắng rửa sạch, cắt thành khúc nhỏ vừa ăn. Thịt rửa sạch, băm hoặc xay nhỏ rồi ướp với gia vị tiêu, muối, bột ngọt. Mộc nhĩ, nấm hương ngâm nước ấm cho nở đều, thái nhỏ để riêng ra đĩa. Cho thịt, nấm hương, mộc nhĩ băm nhỏ vào trộn đều, dồn nhân vào từng khúc mướp đắng. Đun sôi nước dùng và cho mướp đắng nhồi thịt vào, nêm nếm gia vị vừa ăn, múc ra bát và thưởng thức.
- Công dụng: Mướp đắng có vị đắng, tính mát, giúp thanh nhiệt, tiêu độc nhiệt hiệu quả. Món mướp đắng nhồi thịt vừa là món ăn bổ dưỡng, vừa giải nhiệt, giúp bữa ăn gia đình thêm đậm vị và thơm ngon.
Theo chia sẻ của BSNT Phan Bích Hằng (Khoa Y học cổ truyền Trường Đại học Y Hà Nội) c
Đường Thảo (T/H)