Như các lương y đã phân tích ở bài trước, Minh Mạng thang là bổ dược chứ không phải dâm dược. Vậy các bài Minh Mạng thang lưu truyền trong dân gian có nguồn gốc từ đâu?
Truy nguyên Minh Mạng thang
Năm 1997, lương y Phan Tấn Tô và Lê Quý Ngưu có chuyên đề nghiên cứu khoa học Nguồn gốc bài thuốc Minh Mạng thang và đề xuất các bài thuốc phù hợp trong sản xuất rượu Minh Mạng, do Công ty dược Thừa Thiên-Huế chủ trì, Sở KH-CN Thừa Thiên-Huế nghiệm thu.
Theo tài liệu này, nhóm nghiên cứu sau khi phân tích toàn bộ các bài thuốc được mệnh danh là Minh Mạng thang thu thập trong nhiều năm qua, đã chia các bài thuốc ấy ra thành 3 nhóm: Độc hoạt ký sinh thang gia giảm; Quy tỳ thang và nhóm độc lập (tách riêng ra, vì không nằm trong hai nhóm trên).
Trong đó, nhóm thứ nhất sau khi truy nguyên, các tác giả nhận thấy các bài thuốc này có nét tương đồng với bài Độc hoạt ký sinh thang, trong quyển thứ 8 của bộ Bị cấp Thiên kim yếu phương. Bộ Bị cấp Thiên kim yếu phương (gồm 30 cuốn, bản đời sau có cùng nội dung nhưng có tới 93 cuốn) do tác giả Tôn Tư Mạo, một danh y sống vào thời Đường (khoảng năm 674) biên soạn. Phương châm của Tôn Tư Mạo là mạng người quý hơn vàng nên đặt tên sách là Thiên kim.
Toàn bộ sách có 233 môn, hợp phương luận 5.300 đầu mục, gồm y luận, y phương và phản ánh những thành tựu y học trước sơ kỳ đời Đường.
Bài Độc hoạt ký sinh thang, gồm 15 vị: độc hoạt (3 chỉ), tang ký sinh (1,5 chỉ) - nếu không có tang ký sinh ở cây dâu thì dùng tục đoạn thay thế, đỗ trọng (1,5 chỉ), ngưu tất (1,5 chỉ), tế tân (1,5 chỉ), tần giao (1,5 chỉ), phục linh (1,5 chỉ), quế tâm (1,5 chỉ), phòng phong (1,5 chỉ), xuyên khung (1,5 chỉ), đảng sâm (1,5 chỉ) - có điều kiện dùng nhân sâm thì tốt hơn, cam thảo (1 chỉ), đương quy (1 chỉ), thược dược (1 chỉ), đại hoàng (1 chỉ).
Công dụng của Độc hoạt ký sinh thang dùng để trị can thận suy nhược, phong thấp làm cho lưng đùi đau, đau nhức lâu ngày… Đứng trên phương diện Phương tể học của Đông y, các bài thuốc Minh Mạng thang thuộc nhóm thứ nhất, kết hợp giữa bài Thập toàn đại bổ, nhằm phục hồi khí huyết rồi gia thêm hầu hết các vị trị phong thấp đau thắt lưng, nhức mỏi vùng hạ chi.
Nhóm Minh Mạng thang thứ hai có xuất xứ từ bài Quy tỳ thang trong tác phẩm Tế sinh phương (năm 1253) của tác giả Nghiêm Dụng Hòa, sống vào đời Tống (Trung Quốc). Bài thuốc có trong phương thuốc thứ 24 Hiệu chú phụ nhân lương phương (gồm 12 vị): nhân sâm (1 chỉ), bạch truật (1 chỉ), hoàng kỳ (1 chỉ), phục linh (1 chỉ), long nhãn (1 chỉ), đương quy (1 chỉ), viễn chí (1 chỉ), toan - táo nhân (1 chỉ), mộc hương (5 phân), cam thảo (5 phân), đại táo (3 quả), sinh khương (3 lát).
Công dụng chủ yếu của bài thuốc Quy tỳ thang dùng để bổ tâm tỳ hư yếu, ăn không ngon, ngủ kém, hay hồi hộp, tay chân nhức mỏi. Các bài thuốc Minh Mạng thang thuộc nhóm này kết hợp gia giảm giữa bài Quy tỳ thang nhằm bổ tâm tỳ rồi gia thêm hầu hết các vị thuốc bổ kích thích sinh dục.
Nhóm “lục giao tam dựng”
Nhóm thứ ba gồm các bài thuốc có tên Lục giao tam dựng (được lưu giữ tại nhà của thầy giáo Phạm Kim u, nguyên giáo sư dạy Pháp văn Trường đại học Khoa học Huế); Lục giao tam dựng của gia đình cụ Phạm Ngọc Hoàng (đỗ khoa thi cử nhân cuối cùng triều Nguyễn, nhà ở đường Huỳnh Thúc Kháng, TP.Huế); Ngũ giao tam dựng của gia đình ông Nguyễn Khoa Thông (thuộc dòng dõi danh gia thế tộc nhiều đời ở Nguyễn Sinh Cung, Vỹ Dạ, TP.Huế); Nhất dạ lục giao sinh ngũ tử của gia đình quan Ngự y Phạm Đạt; Minh Mạng ngự tửu của gia đình cụ Trần Thước (từng làm Đốc học, tham gia biên soạn Mục lục châu bản triều Nguyễn, là hậu duệ của quan phụ chính Trần Tiễn Thành).
Các bài thuốc trên cũng có nhiều nét tương đồng với các bài thuốc trước, nhưng chú ý đến cách vận dụng thuốc bổ khí huyết, tráng dương. Trong đó, bài của gia đình cụ Phạm Ngọc Hoàng có kết hợp Lộc nhung nhị tiên tửu (hổ cốt, lộc cân, câu kỷ, long nhãn nhục, hoài ngưu tất, đương quy) trong Tín nhiệm phương và bài Hoàn đồng tửu trong Hồi sinh tập. Bài của gia đình Nguyễn Khoa Thông có tác dụng ôn thận tráng dương, trị liệt dương, sinh lý yếu kết hợp với nhóm có tác dụng trợ thận dương, hành khí huyết có (ốt hột tề, hải mã, cáp giới).
Bài của gia đình quan Ngự y Phạm Đạt dùng các vị thuốc có tác dụng bổ khí huyết, bổ can thận, bổ ích tinh huyết, ôn thận trợ dương… kết hợp với hổ cốt, ngưu tất có tác dụng khu phong tráng gân cốt và một số vị tư âm tiền dương (cúc hoa, quy bản), tán hàn tà, lý khí khai vị (tiểu hồi hương, sa nhân, trần bì, mộc hương, sinh khương), dưỡng tâm an thần (long nhãn nhục, toan táo nhân, bách tử nhân), hóa đàm thấp mà định tâm (viễn chí, xương bồ). Bài của gia đình cụ Trần Thước thiên về ôn nhiệt, người âm hư hỏa vượng và phụ nữ có thai đều không dùng được.
Như vậy, ngoài nhóm thứ 3 có nhiều điểm khác, còn lại hai nhóm trước của Minh Mạng thang được lưu truyền đều có sự tương đồng với 2 phương thuốc cổ của đông y là Độc hoạt ký sinh thang và Quy tỳ thang.
Xem thêm kỳ 3 tại đây: https://docduonggiobui.vn/post/128
Bùi Ngọc Long - Báo Thanh niên