Trước đây, Chà Và Hương có quan hệ đặc biệt với thế giới ngầm Sài Gòn – Chợ Lớn, trong đó có Đại Cathay, và giới Hắc Đạo Chợ Lớn. Khi gặp cô Yến, Chà Và Hương đã quyết tâm làm lại cuộc đời mình. Thế nhưng, dòng đời xô đẩy, lãng khách đi lại vào vết xe đổ của chính đời mình. Chà Và Hương đã khéo léo giấu diếm tội ác của mình tới mức khi một thời gian dài bản thân tham ra vào các hoạt động phi pháp mà người vợ hiền không hề hay biết.
Sự thật cay đắng về người sư phụ tôn kính
Chà Và Hương (tên thật là Ngô Văn Hương, SN 1940, ngụ xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi, TP.HCM) đã qua những năm tháng dạn dày hằn cứa trên da thịt, có những trăn trở hắt ra trong khói chiều tà. Nghe ông hoài niệm lại những ký ức mà thấy xót xa thay cho người lãng khách. Cuộc đời ai cũng có những sai lầm, lạc bước, Chà Và Hương cũng không phải là người ngoại lệ.
Nhất là thời buổi nhiêu nhương khi ấy, ông phải vật lộn để tồn tại, những ngày lang bạt kỳ hồ, ở cái rốn vùng đáy xã hội đã biến đứa trẻ Hương thành kẻ ngang tàng. Tầm sư học đạo, thành võ sĩ bất bại, được danh vọng tiền tài và địa vị trong thế giới ngầm. Thế nhưng, sự thật Chà Và Hương thấy đời mình thật tẻ nhạt, vô phương hướng. Nhất là khi ông phát hiện ra một sự thật cay đắng về người sư phụ, người mà Chà Và Hương tôn kính, coi như cha mình.
Như chúng tôi đã từng phản ánh, Chà Và Hương từng trải qua rất nhiều thầy dạy võ, nhưng chỉ có võ sư Kít Đăm Xây là người có ảnh hưởng lớn đến với sự nghiệp của ông. Võ sư Kít Đăm Xây, có hai học trò xuất sắc nhất đó là Chà Và Hương, Sáu “nhỏ”. Khi Chà Và Hương đi du đấu ở với Bình Định thì Sáu “nhỏ” bị chết. Lúc này Chà Và Hương tìm hiểu thì mới phát hiện ra một điều, tại sao Sáu “nhỏ” lại có một cặp chân khét tiếng như vậy. Đó là mỗi lần võ sĩ này lên sàn đều đều được võ sư Kít Đăm Xây cho uống một loại biệt dược, khiến cho Sáu “nhỏ” khỏe và say máu đả bại tất cả các đối thủ. Cũng vì dùng thuốc nhiều, khiến cho lục phủ ngũ tạng của Sáu “nhỏ” bị phá hủy.
Lúc này, Chà Và Hương cũng nhìn rõ được bản chất dã tâm của người mà mình đã gọi là sư phụ bấy lâu. Ông ta đã lợi dụng, biến Chà Và Hương và Sáu “nhỏ” thành những lính đánh thuê, thu bạc về cho mình. Chà Và Hương không hiểu được nghĩa lý sống và tồn tại trên đời của mình là gì, gã cứ lao vào những trận đài sinh tử, thấy cái chết nhẹ như không.
Ngoài 30 tuổi, Chà Và Hương có tất cả mọi thứ trong tay, nhưng không lấy có một người tri kỷ. Lúc đó, Chà Và Hương đã rất uất hận, thế nhưng nghĩ đến đạo nghĩa thầy trò, ông đã xin rút khỏi môn phái. Cũng đúng lúc ấy, ông đã gặp cô Yến, người vợ hiền đã giúp ông vượt qua được những khủng hoảng nhất thời.
Có lúc Chà Và Hương tự trách bản thân, sao lại chọn cái nghiệp đánh đấm, vướng bận chuyện đâm chém trên giang hồ, và gây ra không ít nhưng tai ương nghiệp chướng ở đời. Nhưng ngẫm lại, đó là số phận của ông, cũng nhờ thế mà Chà Và Hương đã tìm được người con gái của đời mình. Do vậy, ông đã quyết định làm lại cuộc đời mình, dựng xây hạnh phúc với cô Yến. Thế nhưng mọi chuyện lại không đơn giản như những dự định của người lãng khách khi chuyện giang hồ luôn tìm đến nhà Chà Và Hương gõ cửa.
Theo lời kể của võ sư này, năm 1972, ông với cô Yến làm đám cưới. Sau đó, hai người chuyển về sống chung với gia đình bên vợ. Khoảng cách tuổi tác giữa Chà Và Hương với người vợ hiền càng khiến cho tình yêu của họ thêm đặc biệt, nhưng cũng không ít thử thách. Trước khi theo chồng, cô Yến đang là nữ sinh. Sau đó, để mưu sinh, cô phụ mẹ buôn bán nhỏ ở chợ. Còn Chà Và Hương biết mỗi cái nghề đánh đấm. Khi giải nghệ ông đã rất khó khăn để bắt nhịp cuộc sống hiện tại. Trong khi đó, phía cha mẹ Hương cũng chẳng mấy khá khẩm. Do vậy, hầu như hai vợ chồng Chà Và Hương đều phụ thuộc vào phía đằng gia đình vợ.
Ngày trước cha mẹ cô Yến là miễn cưỡng đồng ý cho con gái họ kết duyên với ông, chứ thực tế họ vẫn còn nhiều ác cảm với người lãng khách giang hồ như Chà Và Hương. Cũng chính vì vậy, mà cha mẹ cô Yến luôn tỏ thái độ không vui vẻ, đối xử lạnh nhạt với con rể. “Thế nhưng điều tôi buồn nhất là cha mẹ vợ thường lấy tôi ra đay nghiến làm khi lấy phải người chồng không ra gì như tôi. Yến sợ tôi buồn, suy nghĩ linh tinh, nên đã giấu kín, nuốt nước mắt vào trong”, Chà Và Hương nhớ lại. Lãng khách cho biết, hai vợ chồng ông ở với gia đình bên vợ được 2 năm, thì hai người chuyển về khu vực quận Bình Thạnh sinh sống.
Thời gian ấy, Chà Và Hương vẫn chưa có việc làm, nên gánh nặng mưu sinh do một mình cô Yến gánh vác. Nhìnvợ vất vả lam lũ vì mình, võ sư đã rất khổ tâm, ông thấy mình như người thừa trong gia đình. Cô Yến hiểu được những tâm tư của chồng, một phần cô thấy tiếc cho một nhân tài, đỉnh cao võ thuật một thời. Do vậy sau nhiều đêm suy tính cô Yến đã khuyên Chà Và Hương mở võ đường, thu nhận đệ tử, truyền dạy võ thuật, và đó cũng là cái nghề để kiếm sống. Ông kể: “Thế nhưng, vì nhiều nỗi niềm riêng nên khi nghe vợ nói vậy tôi đã lưỡng lự, đắn đo. Sau đó, cũng chính Yến đã xin một lão nông cho ông mượn miếng đất ở Bình Thạnh, và vay mượn tiền bạc, để mở võ đường cho cho tôi hành nghề”.
Biến võ đường thành băng đâm thuê chém mướn
Chà Và Hương vốn đã có tên tuổi trong làng võ, do vậy khi biết tin ông mở võ đường, đã có rất nhiều người tìm đến theo học. Như đã nói, chuyện của ông với sự phụ Kít Đăm Xây, nêm khi mở võ đường riêng, Chà Và Hương quyết sẽ dạy đệ tử đi theo con đường chính đạo, trượng nghĩa, giữ khi tiết của người học võ. Ông đã giữ lời hứa khi đào tạo ra những học trò xuất sắc là Phi Long (Tạ Văn Hường), Phi Hổ (Lê Văn Hậu), Phi Hùng (Lâm Văn Phi), Phi Hải (Lê Văn Phước), Phi Nhạn, mà giới giang hồ sau này thường gọi là “ngũ hổ tướng”.
Thế nhưng, thời cuộc đã khiến cho Chà Và Hương đi lại vào chính vết xe đổ của mình. Trước đây, Chà Và Hương và Sáu “nhỏ” là lính đánh thuê của Kít Đăm Xây, thì giờ đây ông lại biến võ đường của mình thành một băng du đãng, phân tranh giang hồ và tham ra vào các hoạt động phi pháp. Hoàn toàn khác với với những ý định tốt đẹp ban đầu của Chà Và Hương mà mong ước của người vợ hiền.
Như đã nói, Chà Và Hương có vị trí và vai trò rất đặc biệt trong thế giới ngầm Sài Gòn. Ngay cả khi đế chế Đại Cathay xụp đổ, tứ đại giang hồ tan rã thì Chà Và Hương vẫn có những tiếng nói và quyền uy nhất định với các băng đẳng. Theo lời kể của lãng khách này, thì vào năm 1967, khi nha cảnh sát chế độ cũ thanh trừng Đại, thiếp lập lại trật tự, đề cao thượng tôn pháp luật. Thế nhưng, khi Đại chết thì những băng đảng khác nổi lên tranh giành thị phần, phân chia lãnh địa.
Chà Và Hương dù giải nghệ, nhưng vẫn có tiếng tăm, và quan hệ mật thiết với những ông trùm. Do vậy, những lúc võ sư này khó khăn, đã luôn nhận được sự giúp đỡ của những băng đảng giang hồ. Thậm chí võ đường của Chà Và Hương hoạt động được cũng nhờ những khoản “quỹ đen” trên.
Giải thích về việc này, võ sư cho biết: “Đệ tử của tôi đề là những kẻ lang thanh không nhà không cửa, nhưng đam mê võ thuật. Trước đây tôi cũng xuất thân như thế mà ra, nên phải biết tương thân. Thành ra cả mấy chục con người, khó khăn lại chồng khó khăn”.
Theo Chà Và Hương thì ở đời chẳng ai cho không nhau cái gì, quy luật là có vay có trả. Bản tính của ông vốn là kẻ trọng tình, và sống nghĩa khí, do vậy khi thấy những người đã giúp mình gặp khó khăn, thì ông không thể khoanh tay đứng nhìn. Chà Và Hương dần quay lại vị trí của kẻ can gián giang hồ, giống như việc trước đây, ông giúp cho Đại Cathay và Tín Mã Nàm nghị hòa, phân chia lãnh địa, tránh cho gianh hồ phải chứng kiến một trận huyết chiến.
Mọi chuyện không dừng ở đó, khi Chà Và Hương cùng với "Ngũ hổ tướng" và hàng trăm đệ tử bảo kê hầu hết các quán bar nằm nhan nhản trên đường Tự Do và Hai Bà Trưng như Karina Bar, Fuji Bar, Ok Bar, Thanh Thanh Restaurant, Jackaline Bar... Sau đó, băng đảng này còn du nhập thêm hai thành phẩn bất hảo nữa là nữ võ sĩ Cẩm Huê, Cẩm Hồng. Lúc này, võ đường của Chà Và Hương mang đúng tính chất là băng đâm thuê chém mướn.
Thời gian đầu Chà Và Hương bước chân trở lại giang hồ, cô Yến không hề hay biết. Ông trùm cũng quán triệt cho đệ tử phải giấu kín vợ hiền. Bản thân cô Yến cũng ít đến võ đường, cô vẫn nghĩ chồng mình làm những việc đàng hoàng bên ngoài. Cô yên tâm khi thấy Cha Và Hương đi về đúng giờ, và biết quan tâm, chăm lo cho vợ. Cô đâu biết cuộc sống của gia đình ổn định từ những đồng tiền bất chính mà Chà Và Hương mang về.
Đến giờ Chà Và Hương rất hối hận vì những việc này, khi phụ tấm lòng và những kỳ vọng của người vợ hiền. Những dằn vặt lương tâm của Chà Và Hương lớn hơn khi từng ấy năm sống với nhau, hai vợ chồng ông không thể có con. Chán nản Chà Và Hương càng như con thiêu thân lao vào những vùng bùn tội lỗi.
Kỳ 6: Sa cơ thất thế ông trùm được vợ cưu mang lần nữa
Lê Nguyễn