Chà Và Hương đã sa ngã, đã bước vào những hoạt động phi pháp của thế giới ngầm. Chính sự thánh thiện, tình yêu của con gái ấy, đã cứu rỗi, thức tỉnh lương tri của một tâm hồn tội lỗi, một võ sĩ say máu, ngạo mạng và hiếu thắng.
Tối hậu thư của vợ
Gác lại phía sau những ân oán vay trả, lãng khách Chà Và Hương (tên thật là Ngô Văn Hương, SN 1940) đang sống những ngày tháng còn lại trong một ngôi nhà nhỏ ở ngụ xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi (TP.HCM). Nơi ấy, võ sĩ khét tiếng trong giới thượng đài ngày nào đang bốc thuốc chữa bệnh cứu người. Nói như lãng khách, ông hành thiện, trả những món nợ, những ưu ái mà cuộc đời ban tặng cho một kẻ từng gieo ra biết bao nhiêu tai ương nghiệp chướng. So với những ông trùm một thời chọc trời khuấy nước với mình, thì có lẽ Chà Và Hương là người may mắn hơn cả.
Khi người anh em kết nghĩa là Đại Cathay bị giết hại nơi đảo xa, dưới họng súng của giới cấm quyền khi ấy. Hay như cái chết cay đắng của người em vợ là Minh “cầu mối”, bạn tâm giao Tín Mã Nàm trước đây, và sau này là Nam Cam, người mà Chà Và Hương từng cưu mang giúp đỡ thuở tạo nghiệp. Thế nhưng, Chà Và Hương cũng từng phải trả những cái giá rất đắt cho những năm tháng ngang dọc.
Cũng bởi những ngày xưng hùng xưng bá ấy, mà chuyện riêng tư của lãng khách với cô Yến cứ lận đận. Chà Và Hương từng suýt bỏ mạng trong những trận huyết chiến, tranh giành thực phần, phân chia lãnh địa với các băng đảng giang hồ. Nhưng điều khiến cho ông trùm hối hận day dứt và đau khổ nhất đó là đã phụ tấm chân tình của người vợ hiền.
Ngày ấy, thương chồng và hiểu những nỗi khổ khó nói của cạnh người đàn ông khi đi ở rể, cô Yến đã cùng Chà Và Hương dọn ra khỏi nhà cha mẹ. Vì chồng mà cô Yến đã chịu bao nhiêu cơ cực, một mình người con gái xứ Huế ấy vật lộn với công cuộc mưu sinh bằng gánh hàng xén nhỏ tại chợ Bà Chiểu (quận 1). Trong khi đó, Chà Và Hương vẫn đang loay hoay quay lại với cuộc sống của một người bình thường. Rồi để chồng có thể phát triển nghiệp võ, niềm đam mê từ nhỏ của Chà Và Hương, nên đầu năm 1974, cô Yến cũng giúp ông mở võ đài riêng, chiêu sinh đệ tử, phát huy hết những khả năng thiên bẩm của mình.
Võ đường của Chà Và Hương hoạt động và tồn tại được trong những ngày đầu cũng là nhờ mô hồi công sức, tiền bạc của cô Yến cả. Người con gái ấy, đã gửi rất kỳ vọng, gửi niềm tin ở nơi Chà Và Hương rất nhiều. Thế nhưng, chỉ một thời gian ngắn, võ đường của võ sư này đã biến tướng thành băng đảng đâm thuê chém mướn, khi lãng khách quay lại giang hồ. Lúc này, Chà Và Hương đã cùng với “Ngũ hổ tướng” và hàng trăm đệ tử, tham gia vào các hoạt động trong thế giới ngầm.
Những chuyện phi pháp mà Chà Và Hương nhúng tay vào ban đầu cô Yến không hề hay biết. Cô vẫn mưu sinh nơi chợ nhỏ, và hạnh phúc thì thấy những sắp đặt của mình đều thuận lợi. Đó là lúc võ đường của võ sư này mở rộng, bên dưới có hàng trăm đệ tử môn sinh. Người vợ hiền ấy tưởng rằng chồng mình đã tìm được một lối đi, đường ngay lẻo thiện.
Nhưng cô đâu ngờ, Chà Và Hương từ võ sĩ thượng đại, lại khát máu và ngang tàng hơn khi dần lột xác thành một ông trùm. Ngày ấy, tiền Chà Và Hương mang về khá nhiều, cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ này đã bớt cơ cực. Cô Yến cũng không thể nào ngờ được đó là những đồng tiền “bẩn” nặng mùi sát khí. Thế nhưng cái kim trong bọc lâu ngày cũng có ngày lòi ra.
Như lời kể của Chà Và Hương, thì vợ ông buôn bán ở chợ, nơi ấy có đủ loại người, thành phần xã hội, và cũng là đầu mối thông tin. Do vậy, chuyện làm ăn của Chà Và Hương sớm muộn cũng đến tai của người vợ hiền. Nhưng do lãng khách cũng khéo che đậy những hành vi của mình, đám đệ tử lại được quán triệt từ trên xuống dưới là phải kín miệng với sư mẫu. Vì thế cô Yến đã bảo vệ lại những điều tiếng không hay về chồng.
“Dù vậy cô ấy cũng bán tín bán nghi, tôi cũng lánh vào sân trong chỉ để cho đệ tử ra mặt. Mọi chuyện chỉ vỡ lở khi có một lần băng đảng thủy quân lục chiến đến chợ Bà Chiểu truy sát người anh em của tôi. Yến biết hết mọi chuyện, cô ấy buồn và thất vọng về tôi rất nhiều”, Chà Và Hương ngậm ngùi cho biết.
Lúc ấy, giữa hai vợ chồng Chà Và Hương đã lục đục, lời qua tiếng lại. Người vợ hiền ấy, đã ra tối hậu thư cho chồng là giải tán võ đài, và đám đệ tử kia để về phụ mình buôn bán. “Cô ấy muốn tôi tránh xa những thị phi ân oán nên đã khuyên rằng người trong giang hồ, có vay có trả, chẳng mấy ai có số phận tốt đẹp. Nhưng tôi đâu hiểu được nỗi lòng của vợ, cô ấy chỉ muốn tốt cho tôi, cho cái gia đình tổ ấm bé nhỏ ấy. Thế nhưng, tôi bất chấp tất cả, vẫn như con thiêu thân lao vào những trận ăn thua, uy quyền của một ông trùm”, lãng khách giang hồ kể tiếp. Thế rồi, không thuyết phục được chồng, cô Yến đã chuyển về sống với cha mẹ đẻ, cắt đứt mọi liên lạc với Chà Và Hương.
Dẫn đến lựa chọn sai lầm của Chà Và Hương ngày ấy, như lời giải thích của ông thì do cái chất hoang dã, cuộc sống du thủ du thực từ nhỏ của Hương, do xã hội rối ren lúc ấy…nhưng cũng có 1 nỗi niềm riêng, đó là phận của kẻ ở rể, bị gia đình bên vợ khinh thường là kẻ vô dụng, ăn bám vợ con. Lòng tự trọng của người đàn ông, khí tiết của người học võ trong con người Hương bị tổn thương, chà đạp.
Do vậy, hơn ai hết ông muốn mang lại cho người thương yêu một cuộc sống sung túc no đủ, và chứng minh cho tất cả thấy mình không phải là kẻ bất tài. Lẽ ra, lúc đó Chà Và Hương phải chia sẻ với vợ để giải tỏa những tâm tư trong lòng, cùng mình vượt khó và giữ vững bản thiện, thì cõ lẽ hai vợ chồng ông đã không ra nông nỗi như vậy.
Như lời của lãng khách này thì ngoài những lý do trên, còn có thêm 1 nguyên do khác, đó sau thời gian dài sống với nhau, hai vợ chồng ông vẫn chưa có tin vui. Tất cả những điều trên ập đến cùng 1 lúc làm cho tâm lý của cả hai đều không ổn định, khiến cho mâu thuẫn càng lớn hơn, gia đình nhỏ của Chà Và Hương như đứng trước cơn sóng dữ.
Từ lúc bỏ về nhà cha mẹ đẻ, Chà Và Hương thêm khủng hoảng và mất phương hướng, ông càng lún sâu hơn vào vũng bùn tội lỗi. Thực ra, như thừa nhận của lãng khách thì ông là người bảo thủ, không lắng nghe những suy nghĩ của vợ. Chỉ đến mãi sau này khi sa cơ thất thế, ông mới ngộ ra những việc làm ấy của mình là sai trái.
Làm lại cuộc đời
Chuyện gia đình đã chẳng mấy vui vẻ, đến chuyện “làm ăn” của Chà Và Hương cũng gặp chuyện không hay. Giang hồ Sài Gòn hậu thời kỳ Đại Cathay là thế giới của những băng đảng đội lốt chính khách, cảnh sát và quân đội. Khi ấy, lãnh địa của những ông trùm như Tín Mã Nàm, Sơn “đảo”, Minh “cầu mối”, Y “cà lết” có mối quan hệ mật thiết với Chà Và Hương đều bị những băng người nhái, thủy quân lục chiến, lính dù… thôn tính.
Trong hoàn cảnh ấy, Chà Và Hương đã kéo đàn em tiến về phía đông để gây dựng lại cơ nghiệp. Tại đây, lãng khách đã sớm gặp phải sự kháng cự quyết liệt của đại ca Út Lai (vua giang hồ vùng Biên Hòa - Long Khánh). Nhiều trận chiến kinh hoàng nổ ra và cuối cùng, được sự dàn xếp của nhiều trùm băng nhóm khác, Chà Và Hương và Út Lai đã hòa giải và Lai chấp nhận phân chia thị phần bảo kê các tụ điểm vui chơi tại Biên Hòa cho ông.
Thời điểm đó một số lính Mỹ khi đổ bộ đồn trú tại đây cũng bắt đầu xưng hùng xưng bá. Các trận thư hùng của giang hồ người Việt với "giang hồ mũi lõ" xảy ra thường xuyên. Trong một trận đâm chém tại dốc Sỏi - Biên Hòa, hai trong số bốn tên lính Mỹ đã bị giang hồ Việt chém chết. Người Mỹ phản ứng dữ dội, buộc ban chỉ huy vùng ba chiến thuật của ngụy quân phải ráo riết tiến hành tìm cho ra thủ phạm để khỏi ảnh hưởng mối quan hệ "bang giao".
“Tướng Đỗ Cao Trí chỉ huy vùng ba chiến thuật lúc bấy giờ đã triệu tập các trùm băng nhóm trên địa bàn phát lệnh: Nếu không tìm ra thủ phạm thì tất cả quán bar sẽ bị dẹp hết. Qua gần ba tháng trời tìm kiếm vẫn không bắt được hung thủ nên quân đội ngụy đã dẹp phần lớn các quán bar liên quan đến những cơ sở kinh tài của các băng nhóm giang hồ”, ông trùm cho biết.
Thất thế, Chà Và Hương dẫn quân quay về Sài Gòn và nuôi ý định cướp khu vực Bạch Đằng (quận 1) của băng đẳng Minh Móm, Bình Nhái. Thế nhưng, Chà Và Hương đã thật sự hết thời. Một lần kéo quân đánh úp cánh Bình Móm, thì Chà Và Hương lợi bị rơi và thế trận mai phục của đối phương. Băng đảng của Chà Và Hương bị đánh tan tác tả tơi, riêng ông trùm đã lĩnh một nhát dao vào bên sườn phải, chỉ thiếu một chút nữa là lãng khách đi theo ông bà tổ tiên.
“Đúng lúc tôi hoạn nạn nhất thì cô ấy xuất hiện. Trước đó, tôi cứ ngỡ tình vợ chồng cchúng tôi như thế là hết. Không thể tả được tôi đã vui sướng và hạnh phúc nhường nào sau một thời gian vợ chồng xa nhau nhung nhớ”, Chà Và Hương cho biết thêm một lần nữa vợ đã cưu mang và khiến ông hồi sinh. Lúc ấy, thấy chồng nằm liệt trên giường bệnh, cô Yến đã khóc thương và trách gã chồng cố chấp rất nhiều.
Ông cho biết: “Nếu như tôi không nghe theo lời của cô ấy, thì đã chẳng xảy ra chuyện đáng tiếc như vậy. Nhưng trong cái rủi lại có cái may, vợ chồng tôi đã trở về với nhau, tìm những yêu thương đã mất. Quan trọng hơn hết, là thời gian ấy, tôi đã ngộ ra những sai lầm của mình. Tiền bạc và địa vị cũng chẳng bằng tình cảm gia đình, vợ chồng với nhau. Cũng may là tôi nhận ra những giá trị chân thực ấy sớm, chứ không giờ đây sự hối hận day dứt của tôi còn lớn hơn rất nhiều”.
Sau đó, Chà Và Hương chính thức dút khỏi giang hồ, võ đường và băng đảng của ông cũng giải tán ngay lúc ấy. Chuyện ông trùm này gác kiếm không gặp phải bất cứ trở ngại nào. Những kẻ thù của Chà Và Hương trước đó, cũng không tìm cách trả thù, bởi tất cả đều biết ảnh hưởng của ông trùm này vẫn còn rất lớn, hơn nữa động vào một cao thủ võ lâm cũng chẳng phải là một điều hay.
Hai vợ chồng Chà Và Hương lựa chọn cuộc sống yên ổn vui vẻ trong căn nhà nhỏ trước đây. Cô Yến vẫn gánh hàng nhỏ mưu sinh chính, còn Chà Và Hương có duyên gặp được một người thần y vùng Thất Sơn (An Giang). Được sự ủng hộ của vợ, Chà Và Hương đã quyết tâm theo thầy tầm sư học đạo. Thời điểm ấy, hai vợ chồng ông trùm này cũng nhận nuôi một đứa con lai.
Mọi thứ đang diễn ra theo hướng tốt đẹp. Thế nhưng, sau một thời gian ngắn Chà Và Hương theo học nghề y thì ông bị quân cảnh bắt xung vào lính Việt Nam cộng hòa, và đẩy ra tuyến lửa, nơi hòn tên mũi đạn chẳng từ một ai cả. Nằm giữa lằn ranh giữa sự sống và cái chết ông trùm đã từng nghĩ tới tình huống xấu nhất, chẳng còn cơ hội được gặp lại vợ con lần nữa.
Tuy nhiên, Chà Và Hương đã may mắn hơn nhiều người khi ông chỉ bị thương và được chuyển về bệnh xá. Đúng lúc ấy, thì đất nước giải phóng, trong sự hân hoan của mọi người. Vậy nhưng, với bản lý lịch đen ngòm của mình, Chà Và Hương đã phải đi cải tạo bắt buộc 8 năm. Thêm nhiều nguyên nhân khác, vợ chồng lãng khách đã mất liên lạc, và đợi đến 20 năm sau họ mới tìm lại được nhau.
\ Chà Và Hương nhẩm tính, ông và cô Yến cưới nhau từ năm 1972, tính đến nay, tình nghĩa phu thế cũng đã 40 năm có lẻ. Vậy nhưng, thời gian Chà Và Hương cùng vợ sống gần gũi quây quần bên nhau lại quá ngắn ngùi, vẻn vẹn chưa đầy 5 năm. Ngay cả thời điểm chúng tôi có mặt tại nhà lãng khách, thì Chà Và Hương và cô Yến cũng đang sống cách nhau nửa vòng trai đấy.
Có quan tâm nhớ thương, cả hai đều chôn chặt sâu trong lòng mình, bởi hoàn cảnh hiện tại không cho phép họ được gần gũi chăm sóc cho nhau. Tuổi già đã tìm đến với lãng khách, cô nữ sinh trường tư thục Quy Nhơn ngày nào giờ cũng đã bước sang tuổi 62. Đã lên chức bà, của đàn cháu ngoại. Cũng vì vưỡng bận chuyện con cháu, nên vợ chồng Chà Và Hương chưa thể đoàn tụ.
Bây giờ, Chà Và Hương cũng không biết đến ngày nào vợ chồng được bên nhau không phương trời cách biệt. Lãng khách, hay nhắc đến hai từ giá như không có chuyện này, chuyện kia, thì vợ chồng Chà Và Hương sẽ mai được sống bên cạnh vui vẻ và hành phúc, như bao cặp phu thế khác. Nhưng đó cũng cái giá mà lãng khách giang hồ phải trả, cho 1 thời ngang dọc.
Cuối năm, cô Yến lại về, ăn tết với chồng, rồi lại vội vã đi. Để lại sự cô đơn, khoảng trống trong lòng người lãng khách, chẳng điều gì có thể khỏa lấp được. Lãng khách, sống vò võ, cô đơn 1 mình, trong căn nhà nhỏ, lấy việc chữa bệnh hành thiện cứu người làm thu vui. Chà Và Hương kể chuyện, mà chất chứa những nỗi buồn, và sự hối tiếc.
Kỳ cuối: Cuộc chia ly định mệnh kéo dài 20 năm đằng đẵng
Lê Nguyễn