Chà Và Hương nhẩm tính, ông và cô Yến cưới nhau từ năm 1972, tính đến nay, tình nghĩa phu thế cũng đã 40 năm có lẻ. Vậy nhưng, thời gian Chà Và Hương cùng vợ sống gần gũi quây quần bên nhau lại quá ngắn ngủi, vẻn vẹn chưa đầy 5 năm.
8 năm nuôi chồng trong trại
Chà Và Hương hoài niệm về cuộc đời mình, lòng buồn hiu hắt. Thỉnh thoảng, câu chuyện giữa chúng tôi và lãng khách giang hồ khét tiếng một thời lại bị cắt ngang. Chà Và Hương nhớ vợ, người con gái xứ Huế đã bỏ nhà nguyện theo ông ngày ấy. Lãng khách hít một hơi thuốc dài, rồi thả khói trắng vào khoảng không trước mặt, chuyện cũ cứ thế ùa về theo cảm xúc yêu thương nhung nhớ. Như lời kể của Chà Và Hương, sau khi đất nước giải phóng, với bản lý lịch đen ngòm của mình, Chà Và Hương đã phải đi cải tạo giáo dục bắt buộc 8 năm.
Thời gian Chà Và Hương, ăn cơm khám, đó là giai đoạn rất khó khăn với người vợ trẻ. “Từ ngày về sống với tôi, cô ấy chưa được một ngày sống yên bình vui vẻ. Chuyện kia chưa qua, thì chuyện khác lại đến. Tôi làm khổ Yến và nợ cô ấy quá nhiều thứ”, Chà Và Hương ngậm ngùi. Những ngày trong trại, là khoảng thời gian Chà Và Hương ngẫm lại đời mình.
Nghĩ đến những điều mình đã gây ra cho vợ, và những hy sinh, tấm chân tình của cô Yến, Chà Và Hương đã hối hận và day dứt rất nhiều. Chà Và Hương lại thấm thía quy luật nhân quả ở đời. ngày ấy, nếu Chà Và Hương nghe lời vợ, quy ẩn đừng dính dáng tới những chuyện băng đảng giang hồ, thì có lẽ ông chỉ mang cái nghiệp “cơm cân áo số” chỉ là 1-2 năm gì đó, chứ không phải là 8 năm đằng đẵng. Lãng khách cho biết, trong những thành phần số má đi cảo tạo cùng với ông đợt ấy, có Nam Cam, Ngô Cái, Huỳnh Tỳ… nhưng chỉ có Chà Và Hương án nặng nhất.
Lúc đó, cô Yến mới khoảng 20 tuổi, còn quá trẻ nhưng sớm đơn thân gối chiếc. Những năm mới giải phóng, cuộc sống rất khó khăn. Trong hoàn cảnh ấy, người khác còn có chồng để nương tựa, thế nhưng cô Yến đã phải một mình vượt qua gia đoạn như vậy. Chà Và Hương còn nhớ trước ngày đi trại, cô Yến nắm chặt tay ông bịn rịn.
Sau đó, cô an ủi chồng vào trong đó phải cải tạo cho thật tối, để sớm về với đoàn tụ với vợ con. Lúc đó, Chà Và Hương và cô Yến cũng ngỡ, ông chỉ đi vài năm là cùng. Linda - con nuôi của Chà Và Hương và vợ khi ấy cũng mới hơn 5 tuổi. Từ ngày Chà Và Hương đi trại, cô về sống và chăm sóc cho mẹ chồng già yếu. Do vậy, bao khó khắn chồng chất lên đôi vai người vợ trẻ ấy.
Lãng khách kể, vợ mình phải vật lộn mưu sinh, lo cho con nhỏ, cho mẹ già, nhưng đều đặn hằng tháng vẫn đến trại thăm nuôi chồng. Những lần gặp nhau ấy, vợ chồng trùng phùng trong nước mắt nghẹn ngào.
Cô Yến chỉ dành thời gian hỏi thăm, động viên chồng cải tạo cho tốt. Cô kể toàn chuyện vui ở nhà, như mẹ rất khỏe, con gái rất ngoan, cả nhà ai cũng nhớ và mong Chà Và Hương sớm trở về. Tuyệt nhiên, chẳng bao giờ Chà Và Hương nghe vợ nhắc đến những lo toan vất vả đời thường. Nếu Chà Và Hương có hỏi, thì cô Yến đều cười trừ, trấn an chồng rằng mọi thứ đều tốt cả.
Nhưng lãng khách thừa hiểu tính vợ. Đó là Yến muốn cho ông an tâm, không phải suy nghĩ và lo lắng chuyện nhà. “Mỗi lần vào thấy vợ tiều tụy, gầy hơn trước, lòng tôi lại tê tái đau nhói”, ông ngậm ngùi cho biết. Sau này, khi ra trại Chà Và Hương được mẹ già kể lại rất nhiều khó khăn tai ương ập đến khi ông vắng nhà, cô Yến phải xoay xở một mình. Khó khăn gấp bội, khi một bên con thơ, mẹ già.
Như chuyện con nhỏ khó nuôi, nay ốm mai đau. Rồi cái ngày mẹ Chà Và Hương bị tai biến. Bà giữ được mạng sống, nhưng nằm liệt cả năm trời. Cuối cùng nhờ con dâu chạy chữa, chăm sóc mát tay nên cụ cũng hồi phục, đi lại bình thường.
Mẹ Chà Và Hương cũng kể, có một khoảng thời gian gia đình chuyển về quận Bình Thạnh sinh sống. Trong xóm mới, có người đế ý và thương cô Yến thật lòng. Người này chưa có vợ, trẻ hơn Chà Và Hương vài tuổi, nhà có điều kiện, lại đang làm trên quận. Nếu cô Yến đi theo người đó, sẽ không còn khổ nữa.
Thế nhưng cô yến đã không dao động yếu lòng, vẫn nguyên lời thề thủy chung, tình nghĩa phu thê. Sau người này, còn có thêm 1 đến hai mối khác, nhưng cũng như những lần trước, cô Yến luôn giữ đạo dâu hiền vợ thảo, chờ đợi người lãng khách trở về. Còn bản thân Chà Và Hương càng thấm thía những gì đã trải qua, và thương nhớ vợ con ở nhà. Ông tự dặn lòng mình lại, sẽ cải tạo cho thật tốt, để ngày đoàn tụ đến sớm. Lúc ấy, ông sẽ bù đắp lại cho cô Yến những yêu thương đã mất.
Bước ngoặt định mệnh
Nhưng số phận như trêu đùa thử thách con người. Cái án 8 của lãng khách sắp trả xong, ngày trùng phùng sắp đến thì vợ chồng Chà Và Hương lại cách xa ly biệt. Chà Và Hương còn nhớ, khi đó là vào năm 1984, gia đình ông rơi vào cảnh cùng cực bi đát. Lúc này, gia đình Chà Và Hương nằm trong diện di cư qua Mỹ theo chế độ con lai.
Sau nhiều lần bàn tính, cô Yến đã đưa cô bé Linda đi. “Cuộc sống quá khó khăn, nên trong hoàn cảnh lúc ấy, vợ chồng tôi đã không còn sự lựa chọn nào khác. Tôi bàn với vợ, cứ đưa con qua bên ấy. Đất nước họ phát triển, có nhiều cơ hội, mình làm một vài năm lấy số vốn nhỏ rồi hồi hường. Khi ấy, tôi cũng ra trại, vợ chồng lại đoàn tụ, quây quần hạnh phúc”, lãng khách nhớ lại.
Trước khi lên may bay qua Mỹ, cô Yến cũng vào thăm chồng lần cuối. Có quá nhiều điều muốn nói, và những cả những lo toan về ngày mai. Nhưng do xúc động cô Yến chẳng thể thốt được lên lời. Mãi đến lúc gần hết giờ gặp mặt, cô nắm chặt tay chồng bịn rịn:
“Anh ở nhà giữ gìn sức khỏe. Hãy yên tâm, đừng lo gì về em cả. Nhất định em sẽ về”. Chà Và Hương cũng nén lòng mình, ông cười thay lời nói để động viên vợ, cho cô cô Yến ra đi mà không điều gì phải vướng bận. Nhìn bóng vợ khuất dần, mà lòng Chà Và Hương thổn thức. Nhiều đêm sau đó, ông không thể nào chợp mắt được.
Điều oái oăm là, ngay sau khi cô Yến lên máy bay qua Mỹ được vài tháng, thì Chà Và Hương cũng được ra ra trại trước thời hạn. “Đúng là ông trời khéo sắp đặt, nếu Yến cố gắng gượng đến thời gian tôi được đặc xá thì tốt biết mấy. Nhất định khi đó, tôi sẽ giữ cô ấy bên mình. Vợ chồng nương tựa vào nhau cùng vượt qua khó khăn thử thách”, người lãng khách ngậm ngùi. Sau khi cải tạo, Chà Và Hương, đưa mẹ già về ở Hóc Môn.
Cữ ngỡ sẽ chỉ xa nhau vài năm là cùng, nào ngờ họ đã phải đợi 20 năm. Theo lời giải thích của Chà Và Hương, thì ngày cô Yến đi Mỹ ông còn đang trong trại, do vậy mọi đầu mối thông tin liên lạc từ cô Yến đều qua phía gia đình bên đằng vợ của ông nắm hết. Vì thế, khi được ra trại, Chà Và Hương đã đến hỏi thông tin về vợ mình.
Nhưng vì nhiều lý do, gia đình bên vợ đã cố tình giấu không cho Chà Và Hương biết cô Yến đang ở đâu. Họ còn nói với Chà Và Hương rằng, thời gian đầu, Yến có gửi thư về một vài lần, sau đó thì mất liên lạc, không ai biết vợ của ông đang ở đâu cả. Trong khi đó, để cho cô Yến cắt đứt quan hệ với chồng mình, phía gia đình cô cũng phao tin với con gái họ là Chà Và Hương đã chết trong trại. Cô Yến tưởng là thật, nên đã rất đau buồn, nên không muốn quay về cố hương.
Chà Và Hương sống cuộc đời khốn khó bên mẹ. Khi bà mất thì ông về Củ Chi tạm lánh cuộc sống xô bồ. Cũng theo lời kể của Chà Và Hương, thì ngay từ đầu ông biết gia đình bên vợ cố tình giấu tin vợ con của ông. Ông cũng không hiểu được vì lý do gì họ đã đối xử với ông như vậy.
Bản thân Chà Và Hương cùng từng nhiều lần thuyết phục cầu xin, gia đình vợ cho mình một ân huệ. Nhưng cái ông nhận lại chì là sự hờ hững im lặng đến đáng sợ. Dẫu vậy, Chà Và Hương không oán trách gia đình bên vợ một lời. “Mọi người làm vậy có lẽ vì muốn tôi và Yến cắt đứt mọi quan hệ với nhau. Cũng phải, tôi đã làm khổ Yến nhiều quá mà. Nhưng giờ tôi đã ăn năn hối lỗi và thật sự đã thay đổi”, lãng khách bảo rằng, thời gian ấy ông sống trong hụt hẫng, đau khổ và tuyệt vọng.
Nhưng rồi, câu hứa của người vợ năm nào rằng: “Nhất định em sẽ về”, khiến cho cho ông tìm lại được niềm tin. Và 20 năm qua, lãng khách giang hồ vẫn chờ đợi một bóng hình. Bởi ông biết, nhất định một ngày nào đó cô Yến sẽ trở lại cố hương tìm chồng.
(Loạt 7 kỳ chuyện tình lãnh khách Chà Và Hương được Lê Nguyễn viết năm 2014, thời điểm đó lãng khách còn sinh sống tại huyện Củ Chi, TP.HCM. Loạt bài viết sau đó được đăng tải trên báo giấy Gia đình & Xã Hội Cuối tuần. Hiện lãng khách Chà Và Hương đã theo mây gió về trời....)
Lê Nguyễn