Tập khí công phải luyện rèn đều đặn, công phu theo ngày tháng; và quan trọng hơn nữa phải học phần tụ khí, nạp khí.
Nhiều người biết câu chuyện bác sĩ Nguyễn Khắc Viện tập khí công chữa khỏi bệnh lao phổi. Trong gia đình tôi, ông nội tôi tập Yoga chữa khỏi nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não. Năm đó ông nội tôi gần 70, bị nhồi máu cơ tim đến lần thứ ba, tai biến mạch máu não liệt nửa người bên trái. Sau đó ông tôi tập Yoga, bao gồm đủ cả ba phần là Dhyana, Pranayama và Asana, vậy mà khỏi hẳn. Đến sau này, năm 91 tuổi, ông nội tôi còn làm được những động tác mềm dẻo mà tôi lúc đó còn là thanh niên, có tập luyện tử tế mà vẫn không làm được. Tôi tập khí công chữa khỏi bệnh hen suyễn kinh niên năm 11 tuổi.
Vậy làm thế nào để tập có hiệu quả thực sự, không chỉ người tập “cảm thấy” mà các kết quả xét nghiệm y học cũng cho thấy bệnh đã khỏi (có cơ sở khoa học).
Nói đơn giản, các bài tập về khí công phổ biến hiện nay chỉ là các bài dẫn khí (năng lượng) chạy theo các kinh mạch (kênh năng lượng) trong cơ thể.
Để dẫn được khí, đầu tiên là phải có khí.
Điều này cũng tương tự như bạn muốn bơm nước trong một hệ thống ống nước, thì đầu tiên phải có nước trong ống đã. Vì các lý do này hoặc khác trong lịch sử, các bài tập về vận khí, đưa chân đưa tay hay ngồi dẫn khí… được phổ biến rất nhiều, nhưng phần đầu tiên là làm gì để có khí (tụ khí, nạp khí) thì thường bị giấu đi.
Vì thế nên các thầy dạy võ thời xưa khi dạy võ thì ngoại trừ phần tụ khí, nạp khí, họ đều dạy đầy đủ hết. Đến lúc tìm được truyền nhân đắc ý rồi, họ thêm phần nạp khí, là tự nhiên người học trò đó tập có kết quả hơn rất nhiều bậc so với những người khác. Trong khi đó thì những người khác cứ giơ tay múa chân, ngồi thiền, trạm trang hì hục từ ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác mà chẳng có kết quả gì.
Phần tụ khí, nạp khí thường lại là một vài động tác rất đơn giản, không mất nhiều thời gian, nhưng nếu không có người chỉ dạy thì không ai biết. Mà có những người được chỉ dạy rồi thì vì thấy nó đơn giản, đôi khi còn ngớ ngẩn quá, không biết có thực hư thế nào, có được tích sự gì không…; do đó hoặc là họ không tập theo, hoặc là tập theo ít buổi, rồi lại theo tư duy chủ quan của mình: thêm thắt, điều chỉnh cho (có vẻ) hay hơn, hoặc tập ít buổi rồi bỏ. Tất cả những người hành động theo lối đó đều không đi đến đâu cả.
Nhiều người lúc ốm đau hay thể trạng ốm yếu mới tập Yoga hay khí công nhằm khỏi bệnh, chứ nhiều người khỏe mạnh thì lại không có động lực, thường thiếu nghiêm túc, tập mấy hôm cho có, cho vui, không thấy chuyển biến gì thì thôi. Trong khi đó, khí công đòi hỏi một sự tập luyện nghiêm túc, đều đặn, quan trọng nhất là đều đặn, công phu theo ngày tháng.
Vì sao luyện khí ít thành công?
Tóm lại, lý do có những người tập khí công, thiền, Yoga mà chỉ "cảm thấy", không chứ đạt thành tựu gì đo đếm được, không chữa được bệnh thì phần nhiều do một trong các nguyên nhân sau đây:
- Không có phương pháp tập tử tế. Mà quan trọng nhất là không có phần tụ khí, nạp khí.
- Tập luyện không chặt chẽ theo phương pháp, mà sau khi tập ít lâu thì tự động điều chỉnh tư thế, động tác, tập nhiều thêm (NGUY HIỂM NHẤT là TẬP NHIỀU THÊM).
- Tập không đều đặn hàng ngày.
- Không kiên trì, tập ít lâu rồi bỏ.
- Quá cuồng tín vào một phương pháp mà bỏ các phương pháp khác.
Tuỳ theo cơ địa, tâm tính từng người, sẽ có phương pháp phù hợp với người này hơn so với người kia. Thường là khi tập nghiêm túc, bài bản, chính xác, đều đặn trong vòng một năm mà không có thay đổi về mặt cơ thể, tim mạch, huyết áp, thể lực trong phạm vi có thể đo được bằng máy móc, thì nên chọn một phương pháp khác. Nhưng không nên thay đổi phương pháp loạn xạ trước khi thử trong vòng một năm./.
Khánh Linh (Theo VOV)