Dù tay chân đã không còn nguyên vẹn nhưng ông vẫn dư sức khiến đám thanh niên giang hồ kinh hồn bạt vía, dìu nhau bỏ chạy.
Cao thủ miệt vườn sở hữu ngón đòn hiểm
Vùng đất miền Tây Nam Bộ trong thế kỷ 20 từng là nơi sản sinh ra nhiều tay đấm quái kiệt, vang danh trên võ đài võ tự do. Bên cạnh đó, có nhiều võ sư dù chưa từng thượng đài nhưng vẫn để lại những giai thoại lẫy lừng khiến người đời khi nhắc lại vẫn trầm trồ thán phục.
Cố đại võ sư Mười Cùi (1910 – 1987) là một trong số đó. Thời còn tại thế, danh tiếng của ông nổi khắp vùng đất Cần Thơ, Vĩnh Long. Theo những hậu bối chia sẻ lại thì chỉ cần ông đi đến đâu là ở đó không còn ai dám xưng võ sư.
Cố đại võ sư Mười Cùi tên thật là Võ Thành Miêng sinh ra tại vùng đất miệt vườn Vàm Tắc, ngày nay thuộc xã Mỹ Hòa, TX Bình Minh (Vĩnh Long). Ngay từ thuở nhỏ, ông đã được tiếp xúc với võ thuật trong chính gia đình của mình. Thân phụ võ sư Mười Cùi chính là Võ Văn Phò, một thợ săn chuyên gia bắt cọp nổi tiếng thời đó, được người dân cực kỳ tôn sùng.
Được cha truyền dạy tinh thông nhiều loại võ nghệ, đến năm 15 tuổi, chàng thiếu niên Võ Thành Miêng tiếp tục được gửi gắm đến tầm sư học đạo tại dòng võ Thiếu Lâm Bắc Phái. Ông theo tập luyện ròng rã suốt 10 năm trời thì được sư phụ cho trở về quê nhà để tự mở lớp dạy võ riêng.
Thời điểm đó rơi vào thập niên 30, các tỉnh Nam bộ vẫn đang chịu sự đô hộ của thực dân Pháp. Với lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ, lại mang trong mình hành trang hơn 20 năm luyện võ, võ sư Võ Thành Miêng không ngần ngại tham gia vào công cuộc kháng Pháp cùng với nhân dân. Khi bị bại lộ và bị bắt, thực dân Pháp muốn có ý định thu phục ông làm tay sai vì thừa hiểu trình độ võ nghệ kiệt xuất mà ông đang sở hữu.
Theo chia sẻ của Đại lão võ sư Phạm Đình Trang (môn phái Long Hổ Môn Đạo) và nhiều bậc hậu bối kể lại thì thời đó, võ sư Miêng nổi tiếng nhất với tuyệt kỹ Hổ Trảo Công cực kỳ lợi hại. Có thể chiêu thức này được chính người cha chuyên bắt cọp của ông truyền thụ lại. Ngoài ra, ông cũng sở hữu bộ Xà Quyền điêu luyện, có thể tấn công chớp nhoáng, hạ gục nhiều kẻ địch trong thời gian ngắn.
Biết sự lợi hại của võ sư Miêng nhưng thu phục bất thành, thực dân Pháp tìm cách phế đi toàn bộ các ngón tay, chân của ông. Cuối cùng đến khi trốn thoát được, ông chỉ còn giữ được ngón tay cái và một đoạn ngón trỏ. Cũng vì lẽ đó mà ông có danh xưng Mười Cùi.
Màn kịch chiến với 9 tên giang hồ giải cứu môn đệ
"Tàn nhưng không phế", võ sư Mười Cùi trở về quê với hoàn cảnh cơ cực, song ông vẫn tràn đầy ý chí, quyết tâm lập nên võ phái Hắc Long tại hai khu vực Bình Minh (Vĩnh Long) và khu Tham Tướng (nay là Ninh Kiều, Cần Thơ) để truyền dạy hết những tuyệt thế võ công mà ông đã dày công tập luyện từ nhỏ.
Trong số những đệ tử của võ sư Mười Cùi thì chàng thanh niên Nguyễn Thanh Trảo có lẽ đặc biệt nhất. Trước khi bái thầy Cùi làm sư, Nguyễn Thanh Trảo (biệt danh Sáu Trảo) cũng kinh qua nhiều môn võ khác nhau và từng thọ giáo với cả một vị võ sư từ xứ Tiều sang nước ta thời đó.
Tuy nhiên, khi tận mắt chứng kiến những ngón đòn lợi hại mà võ sư Mười Cùi thị phạm để hạ đám thanh niên côn đồ lên đến 9 người thì ông hoàn toàn bái phục. Võ sư Sáu Trảo năm nay đã ngoài 75 tuổi, vẫn còn đang hoạt động võ thuật tại Cao Lãnh, Đồng Tháp.
Theo võ sư Sáu Trảo, đó là thời điểm xảy ra vào năm 1965 tại khu vực thuộc bến xe mới của TP.Cần Thơ ngày nay. Khi ấy khu vực này còn rất hoang sơ, vắng vẻ. "Lúc này, một học trò của thầy Mười bị đám thanh niên giang hồ cộm cán có tận 9 người quây đánh. Chúng còn cầm trong tay cả 9 sợi dây sắt trông rất ớn lạnh. Tuy nhiên, chúng không thể nào làm gì được bởi có thầy Mười ở đó. Khi chúng lao vào tấn công thì liền bị thầy Mười dùng xà quyền lăn lộn tránh né, bất ngờ ông tung cú ra đòn chân lái thuận trúng ngay vào cổ của một thanh niên, làm tên này văng vô hàng rào nằm bất động.
Ông tiếp tục sử dụng bộ pháp linh hoạt để đánh ngã thêm vài thằng nữa thì những tên còn lại thấy vậy kinh hồn bạt vía dìu nhau bỏ chạy", võ sư Trảo nhớ lại.
Với võ sư Sáu Trảo thì thời điểm diễn ra màn kịch chiến này, tay chân của võ sư Mười Cùi vốn bị khiếm khuyết nhưng đòn đánh thì huyền ảo, vi diệu. Ông quyết tâm theo bái sư để học cho bằng được bộ Xà Quyền với đòn thế có thể lấy ít chống đông, lấy yếu thắng kẻ mạnh.
Một đệ tử khác của võ sư Mười Cùi là Quách Hán Kiệt cũng kể lại rằng thuở mới về Cần Thơ dựng lò võ, chỉ cần thầy ông đi tới đâu là tuyệt đối nơi đó không một ai dám đứng lên xưng võ sư.
Theo ông Kiệt cũng như những người thân truyền lại thì lúc đương thời còn chưa bị thực dân Pháp phế mất tay chân, võ sư Miêng từng một mình đánh ngã tận 30 người tại một xóm nhỏ vùng Kiên Giang do bị chèn ép, thách thức nhiều lần. Những vị học trò của võ sư Miêng cho biết cuộc đời của ông có nhiều chuyện ly kì từ khi bị bắt đến lúc lập nên võ phái Hắc Môn mà không thể kể hết trong một sớm một chiều.
Võ đường Hắc Long về sau từng đào tạo ra nhiều tay đấm nổi trội, từng thượng đài ở các tỉnh miền Tây như Lê Hồng Chương, Trương Văn Nghĩa, Quách Hán Kiệt, Sáu Trảo, Quách Kim Long… Ngày nay, các thế hệ kế tiếp của võ sư Mười Cùi vẫn đang tiếp tục phát triển con đường võ học của vị tông sư được người dân miền Tây xem là huyền thoại.
Theo Kênh 14