Sau ba hiệp đấu cực kỳ khốc liệt với cả hai khuôn mặt đều sưng vù, Dương Văn Me – một huynh đệ của Lý Huỳnh đã lật đổ được Thạch Sơn – tay đấm từng bách chiến bách thắng.
Ở làng võ miền Nam trước năm 1975, một số võ sĩ vốn xuất thân từ giới giang hồ cũng thường lên đài tỉ thí và tạo ra những trận đấu vô cùng lôi cuốn với người hâm mộ. Trong giới giang hồ đấu đài ở Sài Gòn thời đó, có một võ sĩ từng được rất nhiều người kính nể, đó là Dương Văn Me – một đệ tử của huyền thoại Huỳnh Tiền và là đồng môn của võ sư gạo cội Lý Huỳnh.
“Tay anh chị” khiến làng võ nể trọng
Ở thành phố Hồ Chí Minh hiện nay có một khu vực được nhiều du khách nước ngoài thuộc tầng lớp bình dân đến lưu trú gọi là khu “Tây Ba Lô”, thuộc địa bàn phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó có khu vực trung tâm mà từ lâu đã mang tên là ngã tư Quốc Tế, là nơi giao nhau giữa hai con đường Đề Thám và Bùi Viện. Đường Bùi Viện là phố đi bộ thứ hai của khu vực trung tâm thành phố Hồ Chí Minh.
Ngã tư Quốc Tế những năm từ 1960 đến 1975 là khu vực nằm trong sự “quản lý” của Dương Văn Me, một bậc “đàn anh” rất giỏi võ nghệ của các tay anh chị hoạt động trong khu vực từ Ngã tư Quốc Tế đến Xóm Sáu Lèo.
Dương Văn Me thuộc thế hệ sinh ra trong thập niên 1940. Khoảng những năm 1960, ông đã làm cho giới giang hồ ở khu vực Ngã tư Quốc Tế và Xóm Sáu Lèo phải nể mặt. Những trận đấu võ kiểu “đường phố” của Dương Văn Me thì nhiều như cơm bữa. Rất nhiều lần Dương Văn Me cho đối thủ “no đòn” bởi những đường quyền, ngọn cước đầy sắc lẹm của mình.
Bên cạnh đó, với nước da trắng trẻo, gương mặt chữ điền, đôi hàm vuông, chiếc cằm móm, mái tóc quăn luôn chải phồng lên và đôi mắt đen nhánh, sáng rực, Dương Văn Me trong mắt nhiều người giống như một bậc vương giả hơn là một tay anh chị. Chính điều này khiến Dương Văn Me càng được nhiều người trong giới giang hồ và giới võ thuật Sài Gòn kính trọng.
Nói về nhân vật này, võ sư – nhà nghiên cứu võ thuật Hồ Tường kể với chuyên trang Trí Thức Trẻ, báo điện tử Tổ Quốc: “Không rõ Dương Văn Me đã học võ với ai, đã từng đánh võ đài bao nhiêu lần, nhưng năm 1965, Dương Văn Me đã thượng đài tranh giải vô địch Quyền tự do của Võ Việt Nam, hạng gà (từ hơn 51 kg đến 54 kg), dưới màu áo của Võ đường 75 Phan Đình Phùng, tức Võ đường Huỳnh Tiền.
Ở điểm này xin nói thêm một chút, theo chỗ bản thân tôi được biết thì võ sư Huỳnh Tiền xưa nay không bao giờ đưa học trò đấu đài lấy tên là Võ đường Huỳnh Tiền, mà ông luôn sử dụng 1 trong 2 tên: Võ đường Lý Huỳnh (Lý Huỳnh là 1 học trò của Huỳnh Tiền) hoặc Võ đường 75 Phan Đình Phùng – địa chỉ võ sư Huỳnh Tiền huấn luyện võ thuật chính là Nhà thi đấu Phan Đình Phùng. Đặc biệt, bên dưới dòng chữ “75, Phan Đình Phùng” luôn là hình ảnh một chiếc đầu lâu và cặp xương chéo”.
Theo võ sư Hồ Tường, Dương Văn Me có lối đánh trần tỉnh, ra đòn đẹp mắt, phong độ dồi dào, nước da trắng trẻo, các miệng móm luôn nở nụ cười đã khiến cho nhiều khán giả có cảm tình ngay từ trận đánh vòng loại của một giải vô địch Quyền tự do với kết quả thắng điểm 5/5 từ giám khảo.
Các trận đấu ở vòng sơ kết, vòng tứ kết, vòng bán kết, không võ sĩ nào ngăn chặn được sự tiến bước của Dương Văn Me. Ông đánh rất hăng, với tất cả kỹ thuật đòn chân lẫn đòn tay, khi cận chiến, lúc đánh xa… tất cả mọi khoảng cách đều được Dương Văn Me xử lý một cách cực kỳ hoàn hảo.
Kết quả tất cả các trận đánh ở những vòng này đều mang lại chiến thắng cho Dương Văn Me một cách dễ dàng. Mặc dù các đối thủ của Dương Văn Me đều không phải là những tay mơ, mà ngược lại họ đều là những võ sĩ có hạng, thế nhưng, những võ sĩ này đều lần lượt phải nhường bước họ Dương do thua về cả kỹ năng và kinh nghiệm chiến trường.
Với việc thẳng tiến tới trận chung kết bằng phong độ hủy diệt, tất nhiên Dương Văn Me là cái tên được rất nhiều người nhắc tới vào thời điểm đó. Thực tế, trước Dương Văn Me đã có một số tay “anh chị” lên đấu đài nhưng không nhiều người có được đòn thế đẹp mắt và phong thái đĩnh đạc giống như ông.
Màn long tranh hổ đấu với cao thủ bách chiến bách thắng
Đến trận chung kết ở giải vô địch Quyền tự do năm 1965, Dương Văn Me đã gặp Thạch Sơn – một võ sĩ người Khmer của Võ đường Trần Xil. Thạch Sơn có nước da đen và bắp thịt cuồn cuộn, phong độ dồi dào nhờ cách huấn luyện rất thiện chiến của võ sư Trần Xil. Trước khi đụng với Dương Văn Me, Thạch Sơn là 1 võ sĩ bách chiến bách chiến của Võ đường Trần Xil.
Thời điểm ấy, các khán giả đều rất mong chờ trận chung kết giữa Dương Văn Me và Trần Xil bởi đây không khác gì một màn “long tranh hổ đấu” giữa một người vốn xuất thân từ giới giang hồ và một võ sĩ vốn là tay đấm đang bất khả chiến bại.
Sau nhiều sự chờ đợi thì cuối cùng trận chung kết cũng tới. Trong suốt ba hiệp đấu của Dương Văn Me với Thạch Sơn, cả võ đài Tinh Võ (số 756 đường Nguyễn Trãi, quận 5) trở nên vô cùng sôi động bởi cả hai bên đều thay nhau tấn công, quyết mang lại chiến thắng để giành lấy chức vô địch hạng gà về môn Quyền tự do của Võ Việt Nam năm 1965.
Võ sư Hồ Tường kể lại với Trí Thức Trẻ: “Tôi là một trong những người từng theo dõi trận đấu này. Phân tích kỹ thuật chiến đấu của hai võ sĩ, người ta thấy ngay Dương Văn Me sử dụng đủ mọi đòn kỹ thuật: từ các quả đấm, đến các đòn cùi chỏ, những cú xoay người đánh ngược cánh tay (cú rờ ve), phối hợp với những đòn đá ống bay bổng, các đòn đạp thẳng chặn đòn, mấy đòn giật gối khi cận chiến … đều được sử dụng rất điệu nghệ.
Trong khi đó, Thạch Sơn vạm vỡ hơn với các đòn tay quyền Anh vốn có của Võ đường Trần Xil, cộng với đòn đạp thẳng và đòn đá ống.
Đặc biệt có một đôi lần, khi đánh đối phương văng ra, Dương Văn Me đã bồi thêm bằng những đòn đá trúng vào mặt Thạch Sơn làm cho anh này ngã lăn ra sàn đài mấy bận. Thế nhưng, ngược lại thì Thạch Sơn cũng thực hiện được một số đòn đánh trúng đích khiến vùng mặt của Dương Văn Me bị sưng.
Sau ba hiệp đấu đầy khốc liệt, cuối cùng Dương Văn Me đã được các trọng tài tuyên bố giành chiến thắng đầy xứng đáng. Dương Văn Me chính thức thức lật đổ được hình tượng Thạch Sơn bất khả chiến bại để nhận chiếc huy chương vàng và chiếc cúp vô địch hạng gà giải vô địch Quyền tự do toàn quốc năm 1965.
Sau khi đoạt chức vô địch, uy tín của Dương Văn Me càng thêm vững vàng, khiến cho những tay anh chị ngang hàng lúc bất giờ như: Đại Ca Thay, Minh Cầu Muối… phải kiêng dè“.
Sau khi “xưng vương” ở giải vô địch Quyền tự do năm 1965, Dương Văn Me còn làm mưa làm gió thêm một thời gian nữa. Tuy nhiên, không rõ vì lý do gì mà ông lại lặng lẽ giải nghệ vào khoảng cuối thập niên 1960.
Võ sư Hồ Tường cho biết: “Sau ngày giải phóng năm 1975, Dương Văn Me định cư ở Hoa Kỳ, thỉnh thoảng có về thăm lại “giang sơn” của mình, cũng như thăm đứa con trai vẫn còn cư ngụ ở khu Tây Ba Lô.
Bạn bè lớn tuổi của Dương Văn Me ở Sài Gòn thì hầu như nay không còn ai, cho nên chuyện đánh võ đài, chuyện đoạt chức vô địch để thị uy năm nào bây giờ cũng chỉ là dĩ vãng. Bản thân Dương Văn Me mỗi khi về nước cũng rất ít nhắc tới mặc dù đó là một quá khứ vàng son thật sự không nhiều người có được”.
Nguồn: Soha