"Thật buồn là khắp vùng Chợ Lớn bây giờ chẳng còn ai có đủ trình độ lột tả được hết tinh hoa của bài Cổn Đường đao như sư phụ Trần Thế Vinh khi xưa” - võ sư Huỳnh Chí Dân tiếc nuối.
Lão võ sư Trần Thế Vinh sinh năm 1933 tại huyện Nam Hải, Phật Sơn, Quảng Đông (Trung Quốc), gia đình lưu lạc vào Sài Gòn định cư tại hẻm 89 Hàm Nghi (Q.1). Năm 1957, nhà bên cạnh rước quyền sư Trần Nhất Minh (Trần Chiêu) - cao thủ Hùng Thắng Thái Lý Phật về dạy võ cho con trai. Biết cao nhân xuất hiện, thanh thiếu niên trong hẻm rần rần đóng tiền xin theo học, trong đó có chàng trai 24 tuổi Trần Thế Vinh (thường gọi “Chú Cai”) do mẹ bán cải ở chợ Bến Thành.
Sau 6 tháng, quyền sư Trần Nhất Minh nghỉ dạy, sáng lập đội lân Chấn Võ, trụ sở tọa lạc đường Lý Thành Nguyên (nay là Đỗ Ngọc Thạnh, Q.11), Trần Thế Vinh cũng theo chân sư phụ tiếp tục luyện võ cùng các sư huynh đệ Đường Chấn Quang, La Thanh Tuyền, Trương Long, Trương Hoa, Hồ Văn Kiệt, Ngầu Xây, Mã Châu, Lâm Bác Vinh, Ngô Văn Long, Ngụy Quốc Hoa, Cam Tích Đức...
Sáng đi làm đồng ô tô, trưa đạp xe hàng chục cây số từ nhà tới võ đường học với thầy đến khi mặt trời lặn, cứ vậy suốt 28 năm ròng, Trần Thế Vinh miệt mài khổ luyện tới lúc sư phụ qua đời (1985).
Trong hàng chục cao đồ, ông Trần Nhất Minh rất ưu ái Trần Thế Vinh bởi không chỉ siêng năng, trung hậu mà còn trùng... họ Trần (thầy võ người Hoa coi trọng điều này), do đó, ngoài kỹ năng múa lân, Trần sư phụ dốc lòng chân truyền những tuyệt kỹ công phu Hùng Thắng Thái Lý Phật như Truy Hồn đao, Phục Ma côn, Phong Ma trượng, Túy Tửu Bát Tiên, La Hán Phục Hổ quyền, Kim Long phiến, Phi Phụng kiếm, Ngũ Hình quyền, Phong Lôi tán, Hồ Điệp phiến, Phụng Hoàng tiêu... trong đó có bài Cổn Đường đao danh bất hư truyền của môn phái.
Cổn Đường đao tổng cộng 76 chiêu thức, đánh theo vòng tròn, người thể hiện nằm ngửa loan đao huơ chân bao bọc thân mình như hình cánh cung, vừa múa đao vừa xoay tròn người, đường kính càng hẹp càng cho thấy công phu luyện tập đã đạt đến độ tinh xảo.
Thập niên 60 -70 thế kỷ trước, Trần Thế Vinh là cao thủ duy nhất Sài Gòn - Chợ Lớn biểu diễn tuyệt kỹ Cổn Đường đao lăn mình trên một chiếc bàn gỗ tròn (loại bàn chân xếp đường kính khoảng 1 m, cao độ 1,2 m), đôi chân không hề chạm đất.
Trần Thế Vinh kể lại: “Có lần tôi biểu diễn mấy chiêu Cổn Đường đao cho những người trong môn phái và vài người thân thuộc xem, họ thích quá nên đề nghị tôi ra biểu diễn rộng rãi để vừa truyền bá tuyệt kỹ này, vừa kiếm tiền. Tôi nghĩ học võ là trước hết để bảo vệ mình, hành nghĩa trọng đạo và chống lại cái ác. Hơn nữa, theo lời di huấn của sư phụ “Con phải cố công phát dương môn phái!”, nên tôi thiên về hướng truyền bá chứ không xem đó là phương tiện để kiếm sống.
Do vậy tôi đã tham gia truyền bá công phu Hùng Thắng Thái Lý Phật qua nhiều đoàn lân sư rồng Thắng Anh đường, Anh Nghĩa đường, Chấn Anh đường... và hiện giữ vai trò cố vấn tại đoàn lân sư rồng Thắng Nghĩa đường. Ngoài ra tôi sẵn sàng tham gia vào các đoàn lân sư rồng của nhiều hội đoàn khác khi có cơ hội để thi triển công phu này đồng thời giúp cho lớp hậu bối học hỏi, phổ biến”.
Dù giỏi võ và hành tẩu giang hồ không biết mệt nhưng ông Trần Thế Vinh luôn tâm niệm rằng người học võ phải có tinh thần thư thái, phải có cốt cách phi thường, luyện võ phải luôn tập trung, biết vận dụng đúng lúc bảo vệ cho phái đẹp. Chỉ khi đó thì công phu mới có thể phát huy hết tuyệt kỹ.
Trong số sáu người con của ông chỉ có 3 con trai Trần Trí Hùng, Trần Trí Tài, Trần Trí Dương theo nghiệp võ, “Tôi không dạy võ cho nữ và người hay uống rượu, con trai lớn Trí Hùng biểu diễn Cổn Đường đao rất hoa mỹ, uy lực nhưng chưa đạt đến độ tinh xảo!” - lão võ sư 81 tuổi bùi ngùi.
Theo Ngọc Thiện - TNO