Hút thuốc, béo phì, ăn nhiều món khó tiêu, nằm ngay sau khi ăn có thể tăng áp lực lên bụng, gây ợ nóng, trào ngược dạ dày thực quản.
Axit từ dạ dày trào ngược lên thực quản - ống nối dạ dày với cổ họng, dẫn đến ợ nóng, nóng rát quanh ngực và bụng trên. Dưới đây là một số nguyên nhân làm tăng nguy cơ trào ngược dạ dày.
Béo phì
Thừa cân là một trong những nguyên nhân chính gây trào ngược axit. Cân nặng làm tăng áp lực lên bụng. Mỡ dư thừa quanh bụng có thể tạo thêm áp lực cho dạ dày, đẩy axit trào ngược lên thực quản. Áp lực gia tăng cũng làm giãn cơ thắt nằm giữa dạ dày và thực quản, tạo lỗ hổng để axit rò rỉ vào thực quản. Thừa cân còn khiến quá trình tiêu hóa hoạt động kém hiệu quả hơn.
Ăn nhiều thực phẩm khó tiêu
Món ăn cay, nhiều chất béo, có tính axit, nước có gas, rượu bia... thường gây khó tiêu hoặc tạo ra nhiều axit dạ dày, có khả năng dẫn đến đầy hơi, trào ngược. Đồ ăn chứa nhiều chất béo thường làm giãn cơ vòng thực quản dưới, khiến cho axit đẩy ngược từ dạ dày lên thực quản. Món cay, hoa quả có tính axit (cam, quýt, chanh, bưởi, dứa), đồ uống có gas... còn dễ kích ứng niêm mạc dạ dày, gây ợ nóng, chướng bụng.
Thoát vị khe hoành
Đây là tình trạng phần trên cùng của dạ dày phình ra, chui vào khoang ngực, khiến cơ thắt nằm giữa dạ dày và thực quản không thể đóng lại đúng cách. Thoát vị cơ hoành nhỏ thường không gây vấn đề. Tuy nhiên, thoát vị cơ hoành lớn dễ khiến thức ăn và axit trào ngược vào thực quản, dẫn đến ợ nóng, trào ngược dạ dày. Trường hợp nghiêm trọng cần phẫu thuật.
Nằm ngay sau khi ăn
Nằm hoặc đi ngủ ngay sau khi ăn no dễ trào ngược dạ dày vì thức ăn sau khi xuống dạ dày tiếp xúc với axit có khả năng tràn qua cơ thắt vào thực quản. Nên ăn nhiều bữa nhỏ xen kẽ trong ngày thay vì dồn ăn trong một bữa, nằm hoặc ngủ 2-3 tiếng sau khi ăn.
Hút thuốc
Khói thuốc chứa nhiều chất độc, làm tăng nguy cơ phá hủy hệ tiêu hóa và các bộ phận khác trong cơ thể. Người hút thuốc trực tiếp và thụ động thường bị ho, tạo áp lực trong bụng, gây trào ngược dạ dày. Thói quen này cũng góp phần gây giãn cơ thắt thực quản dưới, suy yếu chức năng bảo vệ thực quản.
Mang thai
Nhiều phụ nữ mang thai bị trào ngược dạ dày vì thai nhi lớn, tăng áp lực lên bụng, nội tiết tố cao hơn có xu hướng làm giãn cơ vòng thực quản dưới. Chú ý chế độ ăn uống, hạn chế thực phẩm có khả năng kích ứng để kiểm soát tình trạng trào ngược axit.
Uống thuốc
Nhiều loại thuốc cũng góp phần gây trào ngược dạ dày thực quản. Người uống thuốc giảm đau, aspirin, thuốc chẹn kênh canxi, một số thuốc trị hen suyễn, thuốc an thần, chống trầm cảm, thực phẩm chức năng bổ sung sắt và kali... cũng có nguy cơ gặp tình trạng này.
Anh Chi (Theo Health)